sách, chép kinh, hàng ngày gõ mõ, thỉnh chuông tụng niệm làm công
quả cho chúng sinh, hướng dẫn cho khách vãng lai thăm thú. Đây là
một ngôi chùa cổ linh thiêng được dựng lên từ đời Lý xa xưa.
Nguyễn Du, Nguyễn Hành được sư trụ trì đón tiếp thân tình. Mặc
dù họ đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày lễ Vu Lan sắp tới nhưng
các vị khách cũng được dẫn đi quan sát tỉ mỉ cảnh chùa. Đàn chùa
được trang hoàng uy nghiêm, có tượng Tam Bảo, Thích Ca, có tranh
vẽ cảnh Thập điện Diêm Vương, có các bàn chúng sinh, đàn Mông
Sơn rất đúng thể thức. Ngoài sân, từ cửa tam quan trở ra là mấy
dãy bồ đài, lá mít, bỏng rang và những tập áo giấy, tiền giấy,
vàng thỏi. Trước lễ mấy ngày, nhà chùa cúng cháo cho chúng sinh.
Biết tin này, trẻ chăn trâu quanh vùng chiều nào cũng tụ tập để xin
cháo lộc và cướp bánh trái.
Sau khi cho hóa vàng, sư trụ trì mời chú cháu Nguyễn Du vào trai
phòng. Bấy giờ nhà sư mới lễ phép thưa với Nguyễn Du:
-Bấy lâu nay bần tăng luôn cảm thấy ấy náy. Lễ Vu Lan năm
nào cũng có cảnh chúng tăng đọc kinh cầu siêu mà chúng sinh thì
không hiểu gì nhiều vì Kinh toàn bằng chữ Hán. Vì không hiểu nên
lễ không thật nghiêm trang bởi trẻ con, người lớn chờ lâu đến giờ
hóa vàng, thụ lộc. Hôm nay gặp tiên sinh, bần tăng muốn xin tiên
sinh một chút công quả cho nhà chùa?
Nguyễn Du chắp tay:
-Mô Phật! Có điều gì xin nhà chùa dạy cho.
-Không dám! Được biết tiên sinh là người uẩn súc, giỏi chữ Nôm,
lại có lòng đại lượng, từ bi. Nhà chùa muốn xin tiên sinh bớt thời
gian cho cửa Phật một bài văn chiêu hồn để dùng vào các cuộc lễ này
thì thật là may mắn!