-Đa tạ lòng tri ngộ của sư thầy. Nhưng hiềm tôi là người thô lậu,
lại không quen với pháp môn nên không dám nhận lời!
-Xin tiên sinh đừng quá khách khí! Văn tài của tiên sinh và thầy
Hai đây (chỉ Hai Hành) đã được người đời biết tiếng từ lâu. Cũng
chính thầy Hai đã gợi ý để bần tăng mời tiên sinh, bởi ngoài cái tài
thì bần tăng còn trông vào cái tâm của tiên sinh nữa.
Lời chân tình của sư trụ trì và thêm sự nói góp của Nguyễn Hành
khiến Nguyễn Du không tiện từ chối nữa. Thực ra, lâu nay Nguyễn
Du cũng có nhiều suy nghĩ, ông vẫn trầm ngâm xót xa đau đớn về
những kiếp người!
Đêm ấy Nguyễn Du lưu lại chùa, nhận viết bài chiêu hồn cho
chúng sinh thập loại.
…“Đêm xuống dần, trời lạnh. Ngoài trời mưa rả rích. Gió heo
may hun hút từng cơn. Nguyễn Du ngồi một mình trước ngọn bạch
lạp. Tập giấy hoa tiên và cây bút lông để sẵn trên án thư. Đã hơn
mấy khắc rồi, ông mới chỉ ghi được mấy dòng mở đầu bài văn
dự định. Bài văn sẽ phải đọc lên giữa những chiều thu não nuột, gọi
dậy những cô hồn đang lang thang phiêu bạt khắp chốn, khắp
nơi trên cõi trần gian ảo ảnh này. Có những cô hồn ấy hay
không? Nguyễn Du tin là có. Đâu phải có trong cảnh hỗn mang mờ
mịt, vu vơ bịa đặt, mà có vì những chuyện thực của đời. Cõi dương
còn có nữa là cõi âm! Nguyễn Du thốt nhiên nghĩ ra câu ấy. Phải
rồi, trong cõi u minh huyền diệu kia, nếu có những hờn tủi thì đó
chính là những con người đã từng sống kiếp đọa đày trên dương
thế. Có cần chi phải tưởng tượng ra những điều vu khoát về thế
giới vô hình? Có bao nhiêu loài chúng sinh, hôm qua, hôm nay đang
dập dềnh trên biển khổ? Họ đã từng sống, từng đấu tranh vật vã,
chịu đựng để cuối cùng đi đến một chung cục bi đát thảm thương.
Xã hội đã đẩy họ vào chung cục ấy, thân xác họ có thể mất đi,