Nguyễn Du thở phào nghe Cai Gia kể rành mạch chuyện Nguyễn
Khản.
Số là Nguyễn Khản vì quá tự tin đã mạnh tay trừng trị bọn kiêu
binh nhưng không ngờ lũ này quá càn rỡ, bất chấp tất cả, vùng lên
làm loạn. Nguyễn Khản bị phá nhà, phải cải trang lên Sơn Tây tập hợp
lực lượng phản công. Chuyện không thành nên ông trở về Nghệ An
để tính kế khác.
Nhưng vào năm Bính Ngọ (1786), có lẽ đó là một năm vận hạn của
đất nước chăng nên đã xảy ra bao nhiêu là sự cố.
Ngay từ đầu tháng Ba, giá gạo đã đột ngột cao vọt. Dân trong
kinh kỳ và tứ trấn bị đói to. Mà có nạn đói là có cảnh chết người.
Dân nhiều chỗ chết như ngả rạ, nhiều chỗ thây nằm lên nhau.
Triều đình đã có lệnh chiêu mộ dân ai nộp của sẽ trao cho quan chức
nhưng hầu như không có ai hưởng ứng. Số người chết vì thế mà
ngày một nhiều nên phát sinh ra nạn trộm cướp.
Đúng vào lúc dân tình không yên thì Nguyễn Huệ đem quân từ
trong Nam kéo ra giương cờ “Phù Lê diệt Trịnh” để đánh phá vùng
Sơn Nam và nhòm ngó Thăng Long.
Nguyễn Khản đã có một cố gắng phi thường đi từ Nghệ An về
kinh thành tìm gặp và khuyên Trịnh Khải:
-Xin Chúa thượng sai tướng giữ kinh thành rồi rước Vua lên Sơn
Tây để lo chống giặc. Bọn kiêu binh là lũ ô hợp tạp nham không thể
dùng được đâu.
Nhưng Trịnh Khải chưa kịp theo kế này thì bọn kiêu binh phát
hiện ra Nguyễn Khản. Chúng lại họp nhau hò hét tố cáo Nguyễn
Khản đem giặc vào thành. Nguyễn Khản bất lực, một lần nữa lại về
Sơn Tây lánh nạn.