biến và gian hùng. Chiêu Thống phải nhờ anh em Nguyễn Nhạc,
Nguyễn Huệ cô lập Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An. Nhưng ngay sau
đó lại có nạn Trịnh Bồng tự lập làm nguyên soái chiếm giữ vùng Hải
Dương và Kinh Bắc, và đem quân vây hoàng thành. Vua lại phải
triệu Nguyễn Hữu Chỉnh về đuổi Trịnh Bồng. Nguyễn Hữu Chỉnh
lại tạo được uy quyền còn lẫy lừng hơn trước đó khiến Chiêu
Thống sợ hãi định tìm cách đánh thuốc độc giết Chỉnh. Nhưng
Nguyễn Hữu Chỉnh lại phong thanh biết chuyện. Từ đấy ông ta bỏ
luôn các buổi triều yết nhà Vua. Hữu Chỉnh trở thành một thế lực
đe dọa triều đình.
Giữa lúc ấy tại Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc ngang nhiên xưng đế và
phong Nguyễn Huệ là Bắc Bình Vương, đóng ở Thuận Hóa, giữ từ
Quảng Nam ra Bắc. Nguyễn Huệ lập tức sai Vũ Văn Nhậm trấn giữ
Nghệ An. Cái thế Tây Sơn uy hiếp nhà Lê đã trở nên quá rõ ràng!
Bởi chỉ sau đó ít ngày, Vũ Văn Nhậm đã điều binh từ Nghệ An đánh
ra Thanh Hóa. Có thêm sự hỗ trợ của đại tướng Tây Sơn là Ngô Văn
Sở, hai cánh quân thủy và bộ của Nhậm và Sở dễ dàng vượt sông Mã
rồi qua Ninh Bình, chiếm giữ vùng Gián Khẩu, uy hiếp trực tiếp
kinh thành. Nguyễn Hữu Chỉnh đã đem quân chống đỡ nhưng lòng
quân không thuận, chưa đánh đã tan, đành cùng vài trăm quân phò
Vua chạy đi Kinh Bắc. Khi đến Kinh Bắc, trấn thủ là Nguyễn
Cảnh Thước đã bí mật đầu hàng Tây Sơn nên đóng cửa thành. Thế
là Vua tôi lúng túng đành chạy đi Yên Thế. Dọc đường Vua còn bị
Nguyễn Cảnh Thước tung thủ hạ chặn lại cướp bóc, tước luôn cả áo
bào của Vua. May mà gặp tri huyện Nguyễn Thảng khi ấy đã 60 tuổi
đem binh hộ giá, lúc ấy mới thoát được.
Nguyễn Đăng Tiến, Nguyễn Quýnh và Nguyễn Du ở Thái Nguyên
hàng ngày vẫn cho người dò la, theo sát các sự kiện này. Họ cũng ráo
riết chuẩn bị sẵn sàng để khi cần có thể phò Lê giúp nước. Bấy giờ
Vua Lê Chiêu Thống vẫn long đong, hết xuống đông lại sang bắc,