NGUYÊN HỒNG TOÀN TẬP 1 - Trang 1014

1929-1930, tôi vào học trường Trong ở một khu thành trì còn lại. Lớp

tôi cũng như lớp nhì, lớp nhất khác, được ở trên mặt thành cao, từ dưới đất
lên có đến hơn hai mươi bậc gạch. Ngay trước hàng hiên cửa lớp, có những
cây bàng, sấu, cơm nguội, xoan tây rất to và những bụi duối, găng, ô rô.
Hàng hiên phía sau chạy dài hơn mười lớp, trông ra một dải đầm sen và
những ruộng lúa. Đầm này ngày trước là hào, nay vẫn còn nhiều chỗ nước
ngập đầu. Dãy lớp cuối cùng ở mặt thành trông ra xa về phía đồng quê mấy
huyện Vụ Bản, Ý Yên, và dãy núi Ninh Bình.

Những trưa nắng, đến trường sớm, chúng tôi thường rủ nhau chúi vào

những bụi duối, những hốc cây đọc truyện. Riêng tôi, hay đi sớm hơn cả,
tôi thường tìm những chỗ rậm rạp, gai góc và hẻo lánh, kiếm lá cây trải ổ
mà nằm thơ thẩn. Nếu không ở những chỗ này thì tôi lên bờ thành, ngồi
trên tường lan can mà nhìn về phía xa có chân mây và núi mờ xanh. Càng
gần cuối năm lạnh giá, mặc dù không một học trò nào dám ra chỗ hiên sau
hút gió ghê gớm, tôi vẫn cứ ngồi. Tôi thấy da thịt càng tê cóng thì sự tưởng
tượng càng thắm thiết và trí nghĩ càng man mác.

Những Phù Đổng Thiên vương, An Tiêm, Trưng Trắc, Trưng Nhị,

Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Toản, Dã Tượng,
Yết Kiêu, Lê Lợi, Lê Lai, Quang Trung Nguyễn Huệ... và bao nhiêu cảnh
non sông càng thăm thẳm, vời vợi và ngời ngời kỳ diệu với bốn tiếng Tổ
quốc và Việt Nam.

Ôi ! Tổ quốc Việt Nam trong sử sách đã nhập hồn vào tuổi thơ tôi.

CHƯƠNG III

NHỮNG TIẾNG HÁT VÀ NHỮNG ĐÀO KÉP ĐẦU ĐƯỜNG

Rạp hát ấy ở phố Hàng Thao, ngay cạnh phố tôi. Nhiều đêm, tiếng

trống, tiếng thanh la, tiếng hát, tiếng thét vẳng đến cứ rõ mồn một. Nhà tôi
bán hàng cơm và chứa trọ. Thỉnh thoảng lại có khách cho tôi đi xem cùng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.