Những trẻ con và bà già ốm yếu, bệnh tật lĩnh lương đã rẻ, làm cả
ngày chỉ được một hào hay bảy tám xu, nhưng lại còn phải cho cai ăn mỗi
thẻ một hay hai xu để được đi làm và làm đều... Đàn ông, trai gộc thì đẩy
thùng. Chỉ có ít người thôi. Hình như việc này lương cao, cai xếp biệt đãi,
người làm phải thạo, phải khỏe mới được cắt vào chân ấy. Mỗi người một
cái gậy con đẩy bôông bôông cồng cộc liền liền hai chiếc thùng gỗ to, đai
sắt nối nhau lăn bên đường cứ như làm trò xiếc. Những năm tôi được lên
học lớp trên, lúc đói rét và cả sau đây đỗ được bằng Sơ học Pháp Việt, ra
Hải Phòng, đi các nơi các chốn mãi mà xin không được việc gì làm, tôi lại
nghĩ đến việc đẩy thùng. Tôi đã cồn cào cả người tưởng tới một sự bất ngờ,
tôi trở về... Nam Định xin được chân cu ly nhà máy chai, thì thật không còn
hạnh phúc gì bằng!
Nhà máy chiếu cũng nhiều đàn bà con gái. Nhưng người làm ở đây
gọn ghẽ, trẻ và vui. Nhìn vào những cỗ máy chạy sầm sập, những người
đứng máy thoăn thoắt đôi tay, giữa trưa nắng chang chang dưới mái tôn
nóng bỏng, không khí bụi mờ, các cửa sổ đều bưng lưới sắt... tôi cũng
không khỏi nghĩ ngợi vì được nghe những chuyện hãm hiếp, ăn lễ, ăn bớt,
nhất là cách đối xử với những người đàn bà con gái bụng mang dạ chửa,
hiền lành và có nhan sắc cứ phải sống chết bám lấy nhà máy.
Khu gia đình tôi ở cũng hầu hết là người nghèo túng. Có thể gọi đây là
một xóm. Nó gồm có một gia đình Hoa kiều, chồng chuyên nghề bán cháo
quẩy, chè đỗ xanh, chè vừng, vợ làm nghề bán canh bún, bún riêu. Nhà đã
đông con, chuyến đẻ sau cùng lại sinh đôi, hai thằng bé rất bụ, bú rất phàm.
Mấy nơi hiếm và giàu có đánh tiếng nhờ người đến mua một hay cả hai đứa
bé càng tốt, nhưng vợ chồng chú S. nhất định không chịu bán, cứ giữ con,
nuôi toàn bằng nước cơm nước cháo, có khi cho ăn cả nhá nhót. Một gia
đình làm hàng phở và bánh cuốn có người em trai làm thợ nề. Một gia đình
chồng đi kéo xe, vợ đi đội than. Còn lại là mấy gia đình công giáo vùng
biển bị bão lụt và đói kém, không có ruộng bãi gì cả, kéo hết một chi họ lên
tỉnh chuyên nghề gánh nước thuê, nghĩa là sống chỉ bằng có đôi thùng sắt