Trọng hay Trọng con (những người thường phạm còn gọi là Ông Nhỏ hay
ông Tám Hui) bị chém ở Sài Gòn.
Cũng không hiểu từ sách nào, báo nào hay từ ai mà những: Nước Nga
cộng sản, Thế giới đại đồng, Đời sống làm ăn sung sướng như nhau, Cách
mạng cộng sản, Tiến lên chủ nghĩa xã hội... đã không những chỉ thành chữ
mà còn thành những hình ảnh, những ấn tượng trong tâm trí tôi nữa!
Thế là bên cạnh những Tôn Ngộ Không, Na Tra, Trương Phi, Triệu Tử
Long, Lỗ Trí Thâm, Lâm Xung, Lý Quỳ... Những Ngô Quyền, vua Bố Cái,
Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu,
Trần Quốc Toản... bên cạnh những Hoa Quả Sơn, Lương Sơn Bạc, rừng
Yên Thế, Vườn Trầu Nam Kỳ và các núi rừng, sông biển xa xôi hiểm trở
của cái tủ tiểu thuyết và của cái đầu óc giàu sự mơ tưởng là tôi ấy... nay lại
chất ngất thêm bao nhiêu hình tượng, vang dội thêm bao nhiêu tiếng gọi.
Những hình tượng và những tiếng gọi vẫn đầy bí ẩn, đầy thơ mộng và
thật là mới lạ, đã gợi dậy cho tôi biết bao ý nghĩa cao quý và kỳ hùng mà
tôi chỉ mới cảm thấy một cách ngây dại về Tổ quốc, về xã hội và đời sống.
... Tôi vẫn đến trường học bằng tất cả những quãng đường thương yêu
nhiều kỷ niệm nhất, vẫn tìm những gốc cây, những bụi rậm đọc sách, đọc
báo một mình, vẫn bữa no bữa đói, bữa nhịn mà so sánh, nghĩ ngợi về bao
nhiêu điều bất công, bao nhiêu sự trái ngược, bao nhiêu nỗi tủi nhục, đau
xót, bao nhiêu cảnh nghèo hèn, buồn thảm ở ngay cùng nhà tôi, ở chung
quanh tôi và khắp nơi khắp chốn bấy giờ.
Đứa bé mồ côi mười hai tuổi ấy vì thế lại càng mơ ước và khao khát.
Không phải chỉ là được no ấm mà phải còn được thêm những sự công bằng,
sự tươi sáng, những sự thiêng liêng, sự cao quý phải thật và đúng như ý
nghĩa của nó! Và phải làm sao, phải tìm cách nào để được có, được hưởng
thật, và đúng như thế.