tây. Mấy gia đình này cũng đông người, cũng lắm trẻ con. Rách rưới, ăn
uống cơm niêu nước lọ, chạy gạo từng bữa và ăn nói giữ gìn, mua sắm rất
chặt chẽ. Nhất là mấy nhà có cha mẹ già.
Hình như cả ngày họ đọc kinh. Sáng dậy, đọc kinh từ lúc còn tối đất.
Trưa ngủ dậy, đọc kinh. Tối, trước khi đi ngủ, đọc kinh. Hai bữa ăn, mọi
nhà thường chỉ làm dấu cám ơn và xin phép Chúa, thì họ cũng đọc kinh.
Giọng rền rĩ, nghe ban đêm trong nhà không thắp đèn và những buổi trưa
gió bão ù ù, sao mà buồn thảm! Lúc nào, câu mở đầu của họ cũng là: ơn Bề
trên, ơn Chúa, lạy Chúa, ăn mày Chúa, cầu xin Chúa, sáng danh Chúa, sáng
danh Cha cả, ơn Đức Mẹ, xin Đức Mẹ và Giê-su-ma lạy Chúa tôi... Giê-su-
ma lạy Chúa con...
Bác gái nhà hàng phở và thím S, bán bún riêu bán cháo thì khác hẳn.
Nói tục còn hơn đàn ông và văng "đếch" cả với giời! Luôn luôn tôi thấy hai
người chửi bọn đội xếp, bọn lấy vé chợ và chửi cả những nghị viên nghị
hòn, mồm miệng làm sao mà cứ như ngậm hột thị, đã chẳng biết và chẳng
chịu nói năng gì để giảm bớt thuế vé cho dân, lại cứ gật bừa đi với các bố
nọ, ông kia để cùng sung sướng cái thân cái đời!...
Cuối năm 1930 sang 1931, 1932, những tin về cuộc "phiến loạn cộng
sản" ở Nghệ An và những hoạt động cộng sản ở Hà Nội, Hải Phòng và các
thành phố khác, ở hầm mỏ, nhà quê... cứ một ngày một nhiều, một dồn dập
thêm. Trong các vụ xử án, các báo phải đăng cả những câu hô khẩu hiệu
như "Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm" hay "đả đảo quan tòa, đả đảo
chính phủ" của những người cộng sản ra đứng trước vành móng ngựa.
Nhiều chi tiết khác cũng ghê lạ quá sức, như tung cờ, rải truyền đơn, mà
không biết làm thế nào, họ ở trong tù, bị khám xét cấm đoán nghiêm ngặt
đến như thế, mà vẫn có và mang ra ngoài được? Rồi cả vượt ngục nữa!!!
Toàn những án khổ sai, cầm cố. Từ mười năm, hai mươi năm đến
chung thân và án chém. Nguyễn Đức Cảnh bị chém ở Hải Phòng. Lý Tự