- Ôi! Tào Khê! Nước Tào Khê làm đá mòn đấy! Nhưng lòng nước Tào
Khê không bao giờ cạn chính là lòng chung thủy của ta!
Vì nhớ mà buồn, một bài không phải học kỹ mà cũng thuộc lòng ngay,
cả nhiều bạn tôi xưa cũng thấy như thế.
Cũng năm lớp sơ đẳng, tôi còn nhớ bài này nữa và nó còn đưa trí
tưởng đến những người và cảnh lạ hơn, xa hơn: Lính thú đời xưa:
Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền...
Cái người lính không có hồn của cỗ bài tam cúc mà tôi mê mải cay cú
chơi cả ngày cả đêm với những người lớn suốt tháng Chạp, tết, sang cả
tháng Giêng, tháng hai lúc trước kia, bỗng khác lạ hẳn! Tôi thấy họ thật là
người sống, đi đi lại lại, ngoài những nón dấu, bao đạn, giáo và súng hỏa
mai, xóc xách, lích kích trên người, lại còn thêm bao nhiêu thứ ở chung
quanh, mà thứ nào cũng làm tôi phải suy nghĩ. Nhất là vẻ mặt, dáng người
và sự lặng lẽ. Lặng lẽ không phải vì trong thơ, trong bài tập đọc không thấy
có câu nào của họ nói, hay ở hình vẽ họ không thấy lắp bắp cái miệng.
Đứng bên họ, có người vợ hẳn hoi, và là một người nhà quê rất thân thuộc,
chít khăn, mặc yếm, áo nâu thắt vạt, tay bế một đứa bé lên hai lên ba, thằng
này nhoài người ra với bố.
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa...