vậy họ càng khao khát và đã cố tự an ủi mình với câu cuối cùng này:
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng.
Sao? Sao lại là nước giếng trong? Sao lại cần đến nước giếng trong?
Và sao lại là "con cá nó vẫy vùng"?
1882, Hoàng Hoa Thám và nông dân Yên Thế khởi sự chống Pháp.
1909, đồn Phồn Xương, doanh trại của nghĩa quân bị phá.
1913, cụ Đề Thám bị mưu hại.
1917, Đội Cấn và các binh lính Việt Nam và các tù án nặng trong đó
có cụ Lương Ngọc Quyến và một số nghĩa quân cũ của Đề Thám nổi dậy
cướp đồn, phá đề lao, đánh chiếm Thái Nguyên, chống lại rất quyết liệt với
quân quan của chính phủ Pháp bảo hộ.
Mấy chuyện chống Pháp oanh liệt trước ngày tôi đẻ không xa, bà nội
tôi thỉnh thoảng lại kín kín hở hở kể cho tôi nghe, làm ly kỳ bí mật thêm, có
đoạn thành như giai thoại. Hay tôi cũng được nghe kiểu như thế trong
những câu chuyện của những khách hàng ăn cơm ngủ trọ ở nhà tôi, và của
cả một vài ông bạn rất lạ ở những đâu xa lắm, và đi nhiều nơi lắm, thỉnh
thoảng mới lại về ghé chơi với cha tôi một hai đêm.
Tôi đã xuống chiếc thuyền quan với những người lính thú ấy. Tôi cùng
họ ngược lên những vùng rừng núi chưa bao giờ được nghe nói đến, hay
trái lại, cứ mỗi lần thấy nhắc đến tên thì lại càng thấy xa xôi, hiểm trở, bí
mật, dữ dội. Tôi theo họ đi khiêng gỗ, vác nứa và kiếm măng trúc, măng
mai. Bên cạnh chúng tôi có cả những người nhà pha đóng xiềng dòng từ cổ
xuống hai chân. Họ đã thành những lính khố xanh, khố đỏ cùng những
người tù rạc phần đông là nông dân nghèo đói cùng cực quá phải làm liều;
những người tù chính họ canh gác và đóng xiềng nọ ngày đêm nghe ngóng
vì tin rằng tất cả những vị thủ lĩnh yêu nước như các cụ Đề Thám, Đội Cấn,
Lương Ngọc Quyến vẫn còn sống và đang mưu đồ việc nước. Ngày ấy đã