đến. Họ đã phá đồn, phá trại, phá ngục thất, kéo nhau nhập vào quân của cụ
Đề Thám, của ông Đội Cấn kéo cờ nghĩa mà "nước giếng trong con cá nó
vẫy vùng".
Lại những đoạn phim chiếu cuồn cuộn, bừng bừng trong trí tưởng tôi!
Lại những trang tiểu thuyết vào loại Tiếng sấm đêm đông, Châu chấu đá xe
mở ra dồn dồn trước mắt tôi trong những tiếng thùng thùng trống đánh ngũ
liên không phải giục người đi thú mà gióng lên để tế cờ, đốc quân xuất
trận...
Đã bao năm, rừng núi và biển cả đã cuốn hút trí tưởng tôi. Biển cả thì
có những Đông Hải long vương, Thủy Tinh cung, cá kình, thiên ngưu, hải
mã và một thứ ngọc thần, ai mang được nó trong người đi xuống nước, thì
nước phải rẽ ra, như đi trên mặt đất. Rừng thì âm u, cây cao chấm mây, rậm
rạp, chằng chịt dây gai, không để lọt ánh mặt trời, hổ, báo, rắn độc không
cho một ai vào đây sống nổi. Cửa rừng lại có một bà chúa không có đền, có
miếu thờ, chỉ ở một hốc cây hay hòn đá, nhưng bất kỳ ai qua đây mà hơi có
ý phạm thượng thôi cũng bị làm chết ngay. Những thợ sơn tràng, những
người kiếm củi, kiếm nấm hương, mộc nhĩ, mật ong... được làm ăn, sống
hay chết, đều do bà quyết định. Còn núi, núi lớp lớp, tầng tầng, và thường
nổi lên một ngọn cao nhất lẩn trong mây trời, ở đây đóng một sơn trại tụ
tập các tay hảo hán võ nghệ cao cường, bộ hạ hàng ngàn người vong mệnh
chia nhau trấn giữ, rình đợi ở các quãng hiểm trở, sẵn sàng đánh nhau với
triều đình vua quan thối nát.
Giữa lúc tôi nghĩ và tưởng tượng như thế, Bà Huyện Thanh Quan đã
đưa tôi đến Đèo Ngang. Đến Đèo Ngang đúng vào buổi chiều tà chỉ có hai
người trên đỉnh đèo mà ngắm cảnh:
Cỏ cây chen đá lá chen hoa...
Ngày trước tôi đã nghe mấy người thích ngâm vịnh thơ, đến câu này,
họ thường tranh luận với nhau đại ý như sau: Bà Huyện nhà ta tả cảnh