Non nước đầy vơi có biết không!
Nước cạn non mòn có biết không?
Cả cô ruột tôi cũng thường đọc mấy câu thơ trên đây khiến tôi thuộc
thêm.
Nếu như sắp đến Tết Trung thu, quang cảnh các phố Hàng Thiếc,
Hàng Giấy, Hàng Đường, Hàng Vải Màn, Hàng Đàn và các chợ, các hiệu
bánh ở rải rác trong thành phố đã làm tôi náo nức mong mỏi bao nhiêu, thì
bài thơ Vịnh tiến sĩ giấy cũng góp phần như thế:
Cũng cờ, cũng biểu, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.
Những bài in trong sách giáo khoa (hình như mấy bài không đề tên tác
giả) có năm chúng tôi tập đọc, có năm chúng tôi phải học thuộc lòng. Bài
trên có tám câu, nhưng tôi chỉ nhớ có hai câu đầu và hai câu cuối. Tuy vậy,
cứ mỗi lần đến tết Trung thu, thì tất cả ý và tứ của thơ Vịnh tiến sĩ giấy của
Nguyễn Khuyến lại càng thấy rõ, thấy đúng thêm. Vì bàn cỗ nhà nào cũng
bày ông tiến sĩ ấy! Đó là ở Nam Định chứ còn ở các thành phố khác thì tôi
không dám nói chắc.