tượng cúng cụ mất, và trông thế nào ấy, không vui bằng tiến sĩ giấy của ta,
nên đành thôi!
Lên lớp nhì năm thứ hai, chúng tôi phải học cả bài thuộc lòng tiếng
Pháp. Những bài tiếng Việt thì dài hơn. Nhưng được học thơ ta, tôi vẫn
thích, hơn nữa, vẫn nhiều hứng thú, khoái cảm và nhớ lâu. Đến năm này,
đọc các tiểu thuyết cũng như đọc sách quốc văn, tôi đã bắt đầu chú ý đến
văn, ngâm ngợi văn và hay bình văn với một vài bạn ra điều am hiểu văn
thơ, đọc nhiều văn thơ, nhất là văn thơ có vẻ cổ. Chẳng hạn:
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta
... Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi tầng gác cheo leo
Thú vui con hát liệu chiều cầm xoang
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
Chén quỳnh tương ôm ấp bầu xuân...
Cho tới năm học bài đó, tôi vẫn gần như không biết gì về tiểu sử và
thân thế nhà thơ Nguyễn Khuyến. Thậm chí tôi còn cho Yên Đổ là một
người, Nguyễn Khuyến là một người, và không biết Yên Đổ là ai, Nguyễn
Khuyến là ai. Những bài tôi học có khi chỉ đề tên Yên Đổ không thôi. Và
Yên Đổ được tôi nhớ, được tôi phục, vì là cụ Tam nguyên, đã đỗ đầu ba kỳ
thi. Nghĩa là được vào kinh ăn cỗ yến của vua khao, rồi "cỡi ngựa rong
chơi trong vườn Ngự Uyển", mặc áo mũ của vua ban, các công chúa trông
thèm rỏ dãi!".