cuộc đời thật của xã hội cùng với hồn văn, khí văn đã là những nguồn cảm
hứng chính của tôi.
Tôi đọc lại Thủy hử. Cùng khoảng này, tiểu thuyết Vô gia đình
(34)của Éc-to Ma-lô đến với tôi.
-----
(33) (34) Tôi giữ nguyên tên các bản dịch đọc ngày ấy (N.H.).
Năm tôi lên được lớp nhì năm thứ hai, mẹ tôi đi Thanh Hóa, bỏ hẳn tôi
cho bà nội và cô tôi. Việc làm của mẹ tôi là giữ con (gọi là ở vú đầm) cho
vợ chồng một tên Pháp viên chức nhà đoan, không còn nữa. Tuy lương
tháng chỉ được sáu bảy đồng, nhưng mẹ tôi vẫn có tiền gởi về cho anh em
tôi, tháng hai đồng, tháng ba đồng. Nay lại lần hồi chợ búa, vốn liếng
không có, phải cất chịu của một người họ những bóng đèn và hương để bán
kiếm lời, nên mẹ tôi phải đánh đến cái bài "chầy" như thế. Cô tôi có bảo tôi
mới biết mẹ tôi đã đi bước nữa. Mẹ tôi ăn ở với một người đã có vợ. Mẹ tôi
lại có mang. Mẹ tôi đưa em gái tôi đi vì bà tôi không thể nuôi nổi cả hai
anh em tôi, vừa phần để bế em cho mẹ còn chạy chợ.
Nhà tôi càng không còn một thứ gì bán ra tiền nữa. Tất cả những đồ
đạc mà bà tôi cố giữ sau khi cha tôi chết, để nếu đến lượt bà tôi thì còn có
thứ bán đi mua ván, thuê đòn và xin lễ nhà thờ, v.v... cũng phải gọi người
bán nốt! Gia tài chỉ còn vẻn vẹn một cái giường để bà tôi, cô tôi và con gái
cô tôi nằm, và một cánh phản đóng bằng ba tấm gỗ tạp vừa hở vừa kênh,
ngày xưa để dưới bếp bày các thứ rổ rá, bát đĩa dọn cơm cho khách ăn
hàng, nay là giường của tôi. Cả cái chăn bông cha tôi và tôi đắp cũng bán.
Trời rét, phản kê ngay lối đi xuống bếp chẳng có cửa, có liếp gì cả, tôi co ro
trong cái xác chăn sợi cũ ngày trước lót giường của cha tôi.
Cố nhiên là ăn đói.