khách mua gỗ thuê xe đến lấy hàng. Dô - ta này, hò dô - ta này..., những
người phu gỗ hầu hết quần áo rách rưới, gầy sắt, kéo những xe bò rất nặng
và bẩy những cây, những tấm gỗ lim, gỗ gụ, gò ngực, căng gân mà hò...
Nhờ dịp này, mấy hàng cơm, hàng quà ngã tư cũng tấp nập.
Những ngày rét giá, nhà nào nhà nấy đóng hết cửa. Ngoài đường,
thỉnh thoảng nổi mấy tiếng rao "lạp xường phàn" (36), "ai bánh tây nóng ra
mua", "mọc ra mua" và tiếng chuông leng keng của hàng bánh kẹo, tiếng
gõ "sựt tắc, sựt tắc" của hàng mì vằn thắn. Gió bắc như xoa vụn thủy tinh
vào mặt người ta, và bắt phải nghiêng người, khép chặt các tà áo, cúi mặt
xuống mà đi.
-----
(36) Xôi lạp xường.
Mấy hàng hoa, sang tháng Chạp, gánh bán rong nhiều hơn. Những cúc
vàng, cúc trắng, những hải đường, cẩm chướng đi trong những lớp nắng gió
thổi phơi phới, hay đỗ ở đầu ngã tư dại nắng, trông càng tươi rực.
Tôi nằm vừa nghe tiếng dô ta, tiếng rao hàng, tiếng nắng reo và cả
hương cúc thoang thoảng. Giữa sáng chủ nhật, trưa thứ năm mà tôi chẳng
muốn đi đâu, chẳng thiết đi đâu. Cũng vì thế tôi càng đọc kỹ sách, càng
đắm vào sách.
Có mấy người đã chú ý đến tôi. Mấy người này quê vùng biển, trước
cùng ở nhà người bác họ phố Hàng Sũ với tôi. Họ đã chuyên hẳn việc gánh
nước và đủ sức cạnh tranh xoay giở ở chung quanh cái máy nước, sống với
đôi thùng của mình... Anh em con cháu họ đã cố ở lại làng cày bừa làm
ruộng hay đi lưới đi biển nhưng sau cũng phải bỏ. Mấy anh trai tráng này
không chịu sống như cha chú, rủ nhau đi lính mộ. Năm đó Nhật mở rộng
chiến tranh ở Mãn Châu và nghe nói đã bắn phá cả nhiều tỉnh to, nhiều bến
cảng lớn ở Trung Quốc nữa.