Họ vào lính, ký giấy giao kèo xong được lĩnh ngay ba mươi đồng, lúc
nào xuống tàu đi Thượng Hải được lĩnh thêm hai mươi đồng nữa. Tôi còn
nhớ kỹ, cả mấy người đều vậm vạp cao lớn, quần áo phát cứ mặc căng,
phải đem ra ngoài can thêm, chữa lại. Vợ con, cha mẹ họ, trước chỉ có một
gia đình, sau hai ba gia đình, sau cả chòm gánh nước làng nọ, đều cậy cục
tôi viết thư gửi cho họ. Tôi được gọi bằng cậu. Có nhà còn gọi tôi là cậu
giáo!
"Cậu ấy biên thư hay quá! Tài thật! Mình chỉ mới nghĩ mà đã thấy
nhức cả đầu, vậy mà cậu ấy viết một lúc hai ba thư, thư nào cũng dài thì
giỏi thật! Giỏi thật, phải có văn có sáo thì mới viết thư như thế được, mình
chỉ kể qua mấy chuyện, mấy việc, hoặc lắm khi chẳng cần mình kể, mình
dặn gì cả, mà cậu ấy cũng viết được đủ hết các ý, các điều của mình! Thôi,
để khi khác hay đến trưa mai, cậu ấy viết cho. Chết, nghe đọc lại một lần
rồi lần thứ hai cũng đủ rồi, sao cứ bắt cậu ấy đọc đi đọc lại mãi thế kia!...".
Thế là hàng tháng tôi có được một món tiền. Khi hai hào, khi ba hào
một lúc. Khi rải rác năm xu hay một hào. Cứ mỗi thư, gia đình trả năm xu.
Những kỳ họ được lĩnh tiền và nhận thư và nếu thư trả lời từ Thượng Hải,
Thiên Tân đó lại báo tin tốt lành, mà tôi phải khó khăn lắm mới đọc nổi các
chữ viết vừa xấu, vừa sai, rắc rối quá, thì tôi được cả hào. Tôi xuýt quên, có
gia đình, nhất là các bà mẹ, các cô vợ, còn mời tôi hút một điếu thuốc lá,
vừa đưa tay hai điếu khi ra về...
Nhiều buổi tôi ngượng chín cả mặt. Có ông bố móc móc hầu bao, có
đủ cả hào con, đồng kền năm xu và xu lẻ, nhưng chọn chọn và kiểm đi
kiểm lại mãi mới đưa tôi một đồng kền năm xu và ba xu lẻ trả công viết cho
hai thư gửi con trai và con rể. Ông ta cười cười và nắm lấy bàn tay tôi,
không phải vì thẹn với cái lệ thường, mà hình như sợ tôi không ưng thuận
cái giá bất thường nọ. Trái lại, có những bà mẹ và người vợ cũng cười và
nắm vào tay tôi cũng như sợ tôi thẹn, trả cho tôi những hào rưỡi hay hai
hào, mà tôi chỉ phải viết có hai bức thư ngắn vẻn vẹn mấy câu thăm hỏi,