Tôi có một người anh họ con cô con cậu. Bố mẹ anh mất năm anh còn
bé và người anh anh mới lẫm chẫm biết đi. Mẹ tôi nuôi anh tới ngày anh
học đến lớp ba. Người chị cả thầy tôi không có con, lại nhận nuôi anh. Anh
đang học thì bỏ lên Hà Nội xin được chân thợ sữa chữa bản in ở nhà in
Viễn Đông. Thấy anh cũng chỉ lớp nhì như tôi mà đã ra đời được, nên tôi
càng nung nấu ý muốn lập thân.
Tôi lấy vé tàu thủy mất ba hào. Tuy đã tính toán rất kỹ và nhủ đi nhủ
lại không được ăn quà, nhưng rồi tôi cũng tiêu mất hơn hai hào tiền phở,
tiền bánh giò, và dứa chuối. Tàu đến bến sớm, tôi hỏi thẳng tới chỗ anh tôi
làm. Nhưng tới nơi thì vừa tan tầm. Tôi chờn chợn, thấy nói có người tên
như thế làm thợ in và thường thường ăn cơm ở đây nhưng nhà đâu ở trong
xóm dưới Bạch Mai. Tối hôm ấy, đi các phố chồn cả chân, bã cả người, tôi
lại ăn phở, ăn quà gần hết tiền. Không đủ tiền trọ, tôi ngủ ở ghế ga tàu điện
Bờ Hồ, đầu gối lên gói quần áo và hai quyển sách, một quyển sách toán,
môt quyển tập đọc Pháp văn, sẽ để học thêm. Cũng vừa làm vốn hộ thân,
nếu không gặp anh tôi hay nhỡ xảy ra sự chẳng may, thì bán đi lấy thêm
tiền ăn. Cùng quá, tôi sẽ cất báo hay mua mía, mua bưởi bán rong lần hồi
tới khi xin được công ăn việc làm tử tế. Rồi đây, những ngày lang thang, tôi
sẽ tìm hỏi cả việc đi theo gánh xiếc, sống như thằng Khả dân trong tiểu
thuyết. Tôi tin vào sự gan dạ, mềm mại, lanh lẹn của tôi, và trước đây tôi
cũng đã tập nhào lộn, làm trò nhiều lần ở đám đông, tôi rất có thể mau
chóng thành nhà nghề được!
Ở với anh tôi một hôm, tôi bắt đầu chán nản ngay. Anh tôi đúng là mỗi
tháng được lĩnh lương những chín đồng rưỡi. Nhưng đây, bà mẹ vợ anh kể
rành rọt:
- Anh ấy phải đóng họ, trả tiền lễ lót chân cho nhà ông xin việc hộ mất
ba mươi đồng. Tiếp đó lại phải đóng họ trả sáu mươi đồng tiền sắm sửa đi
về Nam Định xin các giấy tờ và làm lễ cưới chị ấy ở nhà thờ! Hơn năm giời
mới dứt được tiền bát họ! Sang năm nay lại phải lấy bát họ bốn mươi đồng