Cả nhà ngồi một mâm. Bà nhạc anh tôi, chị dâu tôi, cô em gái chị dâu
tôi, và hai cô cháu họ bà nhạc anh tôi cùng ăn với ba anh em tôi. Lo chạy
ăn hai bữa đã có bà nhạc tôi. Còn các chị, các cô gái trong nhà cả ngày phải
làm hàng đăng ten và rua khăn. Không phải chỉ có buổi trưa buông đũa
xong là lại phải ngồi vào khung vải, mà cả tối nữa. Đêm có trăng và nực
quá thì ra sân làm, mỗi người kiếm thêm ba bốn xu.
Đi lang thang chán rồi về nhà nằm chờ cơm, sau hơn tuần lễ, tôi thấy
trong người dần như lửa đốt. Mươi hôm sau thì tôi bị rằn bị căng hết cả ruột
gan. Gần cuối tháng, tôi không còn thể đi chơi được nữa mà chỉ quanh quẩn
ở nhà, ngẩn ngơ, nhiều lúc muốn khóc. Không phải vì tôi bảo anh tôi cho
tôi về Nam Định nhưng không được, mà vì anh tôi không chạy được tiền.
Bà nhạc anh tôi đã vay nợ tiền gạo, tiền mắm muối, rau cà, bao giờ cũng lội
vào tiền hàng... Mỗi người trong nhà, kể cả chị dâu tôi làm nhanh và làm
giỏi nhất, cũng chỉ được tháng bốn đồng rưỡi hay năm đồng rưỡi. Mỗi
chuyến hàng đem đi trả, cứ phải chờ chóng nhất cũng hơn tuần lễ. Tiền đó
trang trải nguyên tiền gạo cũng thiếu. Như thế, đành phải nuôi tôi ăn rồi đi
chơi vậy thôi, chứ chạy hơn đồng bạc cho tôi thì không còn thể vay đâu
được!
Anh tôi được lĩnh lương trưa thứ bảy thì sáng hôm sau, tôi ăn cơm
rang xong, anh tôi đưa tôi ra bến tàu thủy với gói quần áo đã giặt và gấp
cẩn thận từ hôm thứ sáu. Anh tôi lấy vé tàu, dặn đi dặn lại phải đưa đủ hai
phong bánh khảo và hai phong bánh đậu xanh cho bà tôi, và cho thêm tôi
hai hào. Anh đứng trên bờ chờ tàu rúc còi đủ ba lần, nhổ neo, quay mũi rồi
mới đi...
Tôi biết rõ, thật là tôi đã bị áp giải và nói toạc vào mặt rằng: ở Hà Nội
không hiệu nào, sở nào lại thừa cơm mà thuê cái thứ nhóc con lớp nhì như
tôi làm việc gì đâu! Từ rày về sau, tôi đừng có trốn nhà lên đây nữa, vừa
làm buồn bà tôi, vừa để nợ cho anh tôi, và nếu tôi lại lên thì có chết đói,
anh tôi cũng mặc!