Mặc kệ! Tôi cứ như được tắm, được gội và chắp cánh. Sự vui mừng
chính là vì được về với bà nội tôi, nhưng còn sự vui mừng này nữa, là về
với cái lồng chim khuyên. Tôi phải để đến đoạn này mới viết về cái lồng
chim, vì đây cũng là một trong những kỷ niệm sâu sắc của tuổi tôi thơ ấu.
Năm tôi lên bảy, lên tám đã thích chơi chim khuyên. Tôi còn đua đòi
với mấy đứa lớn mua lồng sập để bẫy khuyên bán. Cố nhiên, với tiền xin
được của mẹ tôi. Năm đó, tôi lấy hẳn hai hào công viết thư mà mua cái
lồng ba tầng khung gỗ thông, nan tre chuốt cẩn thận, cóng ăn là hai chén
trắng con. Một con chim giá thường lúc đó ba xu nhưng vì kén chọn nên
phải trả những năm xu. Vì sợ chim ăn chuối bị ỉa chảy, chết non, tôi cho
chim ăn bột đậu xanh trộn với cứt sâu quy bảo rằng để làm thuốc cam trẻ
con, và cả những bọ sâu quy sống ngọ ngậy, lạo xạo. Tôi còn kiếm những
loại hoa như hoa riềng tây có nhụy ngọt, gài để chim rỉa và trang điểm cho
đẹp lồng thêm. Chưa đủ, tôi còn đi xin hoa ngâu, lá ngâu non gài bên chén
nước cho chim tắm và rúc rỉa, vùng vẫy.
Như thế, tôi chỉ kém có mấy hiệu Khách, mấy nhà giàu và mấy nhà
chuyên môn nuôi yến, nuôi sơn ca thôi! Lồng của họ thửa, ken thêm bằng
mây, sơn quang dầu óng như mật, cóng sứ Giang Tây. Tuy thế, vành
khuyên của tôi lại có thể hơn của họ, mặc dầu chim của họ có nhiều chim
khác xùy và được học được tập nhiều giọng, hay còn được ăn những thứ
bổ, thứ quý như củ mã thầy, cam Triều Châu, bột gạo trứng gà, v.v... Vì lẽ
gì? Nếu ai kia có hỏi, thì tôi sẽ lấy một bộ mặt sành sỏi và cả khinh khỉnh
nữa mà đáp: "Tôi có cách chăm đặc biệt! Bí mật gia truyền!".
Thường chim khuyên hay chết mùa rét. Con nào sang được xuân rồi
đến hè thì lông bông lên, vàng mượt, vòng trắng quanh mắt to thêm, mắt
trông khôn hẳn, rất dạn người. Tiếng hót không lanh lảnh nữa, vang mà
đằm, có lúc đứng lim dim như hót thầm cho mình nghe. Những con biết hót
kiểu thế này thì quý lắm. Thoạt nghe những tiếng líu ríu thánh thót như
nhạc rung, dễ tưởng như của hoàng yến hay bạch yến. Hót rất lâu, lúc