Tàu đến bến, ván cầu vừa ghếch vào bờ, tôi đã chen qua mọi người
nhảy vót lên. Nách cặp gói quần áo, bốn phong bánh và hai quyển sách học
- Ôi kỳ lạ! Hai quyển này làm sao mà kẻ cắp không lấy trong cái đêm tôi
gối đầu ngủ ở ga tàu điện, và làm sao tôi không bán đi để ăn quà những
ngày ăn đói ở Hà Nội - và một hào giắt kỹ cạp quần, tôi chạy về nhà. Bà tôi
chỉ lừ lừ nhìn tôi, và hình như nghẹn nghẹn cố giữ nước mắt. Tôi đưa quà
anh tôi biếu bà, trong lòng vừa vui mừng và cũng buồn tiếc ghê gớm. Đúng
cái lồng vẫn treo lơ lửng trên chỗ tôi nằm, nhưng là lồng không. Tôi không
dám hỏi bà tôi chim đâu! Thôi như thế kia thì một là nó chết, bà tôi đã vứt
xác đi, hai là nó bay mất, khi bà tôi mở cửa cho ăn cho uống!
... Con vành khuyên cuối cùng của thời thơ ấu của tôi ấy bị chết chứ
không phải bay mất. Bà tôi bảo đã cho nó ăn cả chuối, cả cơm và cả châu
chấu nữa mà nó vẫn chết!
- Có lẽ mày đi lâu, nó nhớ mày nó chết đấy Hồng ạ!... Nó mới chết
hôm kia thôi!
Mấy ngày sau bà tôi mới vừa ho vừa thở nói cho biết điều này.
Tôi đã đỗ chuyển từ lớp nhì lên được lớp nhất. Nhưng vì vẫn yếu cả
Pháp văn lẫn toán nên khi thi tốt nghiệp bằng tiểu học tôi bị trượt, phải học
"đúp". Sang năm học cuối cùng này, tôi nhất định luyện giỏi các môn, nhất
là văn. Tôi không đọc những Sách hồng (38)nữa, tôi mượn đọc hẳn những
truyện ngắn và tiểu thuyết của mấy nhà văn Pháp. Tôi đã cố đọc An-phông-
xơ Đô-đê và Guy Đơ Mô-pát-săng. Tôi đã nức nở với Lơ Pơ-tí Xô-dơ (Le
petit Chose) của An-phông-xơ Đô-đê, chính vì Pơ-tí Xô-dơ đặc biệt cũng
có một lồng chim, và cảnh đời của Pơ-tí Xô-dơ cũng sao mà heo hút. Các
giờ Pháp văn dần trở nên thích thú; tôi còn vừa đọc bài vừa đóng kịch bằng
tiếng Pháp. Tôi làm con sói, còn một người bạn rất lành và nhút nhát không
ai hơn ở lớp tôi làm cừu non, trong một bài thơ ngụ ngôn của La Phông-ten.
Vốn tôi đá bóng rất tợn và thuộc loại nghịch nhất trường, nên thầy giáo mới
chọn đóng vai này, phải gầm gừ và cả gầm thét trâng tráo nữa. Cả lớp đã