lại, thấy những "ngày xưa", "ngày ấy", những "tục truyền" hay "truyền
rằng" những cái năm Thìn, năm Tỵ, Kỷ Dậu hay Nhâm Tuất, vân vân của
bà tôi ấy có phần lại sinh động hơn những tiểu thuyết thành tập thành pho
kể trên!
Không có nhiều những anh hùng hảo hán, những nguyên súy, những
tướng quân, những thần Phật mà họ tên dài hàng bốn năm chữ, hay những
cảnh cung điện, núi rừng, sông biển, cũng toàn tên chữ Hán, nhưng bà tôi
lại "biết" không biết bao nhiêu con người thật, cuộc đời thật, chuyện có
thật, việc có thật, xã, tổng, huyện, tỉnh rất quen thuộc. Cả những cô tiên,
những ông Bụt, những Đức thánh, Đức Chúa, cũng như những quỷ sứ, yêu
tinh, thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề... cả những thiên đàng, thượng
giới, bồng lai tiên cảnh đến những âm ti, địa ngục, hỏa ngục... cũng như có
thật nốt.
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu tiếng hát thì thậm hay
Cô Mỵ Nương vốn ở lầu tây
Con quan tể tướng ngày rày cấm cung
Anh Trương Chi có chiếc thuyền bồng
Chèo thuyền ngang dọc đêm đông dãi dầu
Canh trường anh mới hát một câu...
... Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
Hồ trông thấy mặt anh chường cô lại chê!
Hay: