Khá nhiều truyện ngắn của Nguyên Hồng được viết với một bút pháp
hiện thực tỉnh táo. Trong các truyện Đây, bóng tối; Láng; Vực thẳm; Người
con gái; Hai mẹ con, cái cường độ ngột ngạt căng thẳng cứ tăng lên mãi và
tác giả, dường như cứ lạnh lùng, bình tĩnh xoáy sâu mãi vào chỗ tột cùng
của bi thảm khiến cho người đọc bỗng cảm thấy đau xót, nhức nhối vô hạn
cho những kiếp người thống khổ trong xã hội cũ. Trong một số truyện, để
đạt hiệu quả tố cáo cao nhất, ngòi bút nghiêm ngặt của ông không ngần
ngại phanh phui những chi tiết tỉ mỉ, trần trụi, đôi khi cứ như là chấp chới
bên bờ của chủ nghĩa tự nhiên (Đi, Người học trò, Tàu đêm)... Lại có
truyện, tác giả như giấu mình đi, sử dụng một lối văn trần thuật khách
quan, một ngôn ngữ trung tính để cho lòng sôi sục căm giận của người đọc
bị nén chặt lại, chuẩn bị cho quả bộc phá bùng nổ (Ngòi lửa, Giọt máu).
Nhưng cũng có truyện tràn đầy một âm hưởng trữ tình lãng mạn, không
phải thứ lãng mạn tiêu cực, thoát ly mà là một chất thơ bắt nguồn từ cuộc
sống cần lao của người dân Hải Phòng, một chủ nghĩa lãng mạn cách mạng
bắt nguồn từ một niềm tin lý tưởng (Những mầm sống, một số truyện trong
Cuộc sống). Có khi lại là màu sắc lãng mạn trong các truyện dân gian, nhân
vật "trông như là Thạch Sanh hay quân lính của đức Thánh Gióng, đức
Thánh Trần vậy" (Chuyện cái xóm tha hương).
Tính chiến đấu của truyện ngắn Nguyên Hồng được thể hiện qua
những thủ pháp nghệ thuật tương phản trong việc xây dựng kết cấu và hệ
thống hình tượng. Có khi là sự đối lập giữa hai kiểu người, hai lối sống,
một bên là lòng nhân hậu, là nghĩa thủy chung, một bên là sự hưởng thụ ích
kỷ, là thói độc ác tàn nhẫn (Giọt máu, Cô gái quê, Nhà bố Nấu). Cũng có
khi là sự đối lập giữa hai quan điểm nghệ thuật (Hai dòng sữa, Cái bào
thai). Có truyện tác giả để cho sự việc tự nói lên (Giọt máu) nhưng cũng có
truyện mang tính luận đề rõ rệt và các chi tiết ít nhiều có ý nghĩa tượng
trưng (Một trưa nắng, Hai dòng sữa). Truyện ngắn của Nguyên Hồng đôi
khi có khuynh hướng mở rộng quy mô và dung lượng, kết cấu dàn trải theo
chiều dài cuộc đời bi thảm của nhân vật (Người con gái; Đây, bóng tối; Con
gái người mãi võ họ Hoa); nhưng cũng có truyện chỉ là một cảnh ngộ tối