ở ngoài máy nước đầu ngõ; cái ngõ hẻm đêm ngày nhớp nháp vì người ta
gánh nước, đổ rác, gánh rau đậu đi chợ và luôn luôn nổi lên những tiếng
kêu cướp giật, ăn uống chằng bửa, đi xe quỵt, đánh chém nhau vì một ván
bài ù không được tiền hay vì giọng cười khiêu khích của một gái nhảy.
Nguyên Hồng không miêu tả trực tiếp quá trình những người nông dân
phá sản, bị cướp đoạt, bỏ làng quê ra thành phố nhưng anh thấy rõ số đông
dân nghèo ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định là những người lìa hẳn quê lên
đây "sau mấy năm lụt lội, đói khát, dịch tễ liên tiếp, họ đâu như đã bán nốt
miếng đất cuối cùng của ông cha cho bọn kỳ lý, cho Nhà Chung, để gỡ nợ,
để chạy kiện, để thoát vạ rượu, vạ cướp tiêu sưng, để khỏi nhìn những cảnh
đau tủi, uất ức mà đi tha hương cầu thực, thử xem ngoài những nơi chôn
rau cắt rốn của họ, đời họ có thay đổi được chút nào không?" (Ngọn lửa).
Trong số họ cũng có những cô gái quê bị mẹ gả bán, ép uổng hoặc bị đày
đọa bởi những hủ tục, luật lệ phong kiến khắc nghiệt, đã bỏ làng ra tỉnh rồi
bị lừa bịp, cưỡng hiếp, biến thành lưu manh, gái điếm (như Tám Bính trong
Bỉ vỏ) hoặc rơi vào ổ của bọn cờ bạc bịp và buôn hàng lậu (Muống trong
Quán Nải)... Sớm muộn thì cái đám dân quê xiêu dạt ra thành phố này sẽ
dần dần mất đi lịch sử riêng, mà chỉ còn là đám đông vô danh trong một bộ
đồng phục màu xám, hàng ngày lang thang đi kiếm ăn trong những điều
kiện sống hết sức khắc nghiệt, vô tình của những thành phố tư sản.
Trước 1945, Nguyên Hồng chưa ý thức được rõ rệt (như sau này trong
Sóng gầm) sự bóc lột, cướp đoạt, lối sống lạnh lùng, bất cận nhân tình của
những thành phố kỹ nghệ tư sản. Nhưng anh đã miêu tả một cách trung
thực, đau đớn và dữ dội, quá trình bần cùng hóa và lưu manh hóa của dân
nghèo thành thị. Anh là chứng nhân cho bao câu chuyện đau khổ, uất ức,
tan nát, chia lìa của những gia đình lương thiện (Đây, bóng tối; Hai mẹ con;
Hơi thở tàn; Người con gái; Vực thẳm; Giọt máu...).
Kết quả của chính sách bóc lột, bần cùng hóa của bọn thực dân phong
kiến làm hàng vạn gia đình dân nghèo bị tan nát hoặc bị đẩy vào những bi