tăm (Tôi dạy học, Lúc chiều xuống), một câu chuyện dằn vặt lương tâm
(Miếng bánh). Khi Nguyên Hồng tránh được sự dàn trải trong truyện ngắn
và cả trong tiểu thuyết (Hơi thở tàn, Quán Nải), biết tập trung vào tấn bi
kịch của cuộc đời, thì thường anh có những truyện ngắn xuất sắc (Giọt
máu, Buổi chiều xám).
Ở đây, ngòi bút của anh khá linh hoạt. Khi thì miêu tả lướt qua những
tấn bi kịch của một đám đông (nạn đói năm 1945), trong đó làm nổi lên
một số trường hợp điển hình (Người học trò, Tàu đêm), khi thì từ cuộc đời
lam lũ, vất vả của một cô gái, tác giả soi sáng cuộc đời chung của những
người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng, thầm lặng hy sinh trong xã hội phong
kiến (Hàng cơm đêm). Ống kính của người viết truyện đang quay cận cảnh,
bỗng mở ra một viễn cảnh rộng lớn, có tầm khái quát cao hơn.
Truyện ngắn của Nguyên Hồng sử dụng nhiều bút pháp, nhiều lối kết
cấu và xây dựng nhân vật khác nhau. Tất cả những thủ pháp nghệ thuật đó
đều nhằm phản ánh cuộc sống của từng lớp dân nghèo thành thị: những
cuộc đời lương thiện bị vùi dập tan nát, những tấm lòng yêu thương đùm
bọc, nhân nghĩa thủy chung, những khao khát ước mơ trong sáng, đẹp đẽ
hướng về một thế giới tràn đầy ánh sáng và lý tưởng.
Tác phẩm Nguyên Hồng đã làm sống dậy cuộc sống lam lũ cơ cực,
bần cùng của những người lao động nghèo khổ ở các vùng ngoại ô, ngõ
hẻm các thành phố lớn như ngoại ô Bạch Mai, ô Yên Phụ, bãi Phúc Xá, bãi
Nhà dầu ở Hà Nội hay xóm Cấm, xóm chùa Đông Khê, xóm Chợ con, ngõ
Hàng Gà của Hải Phòng. Những nhân vật của Nguyên Hồng thường sống
trong những xóm nhà lá hoặc lợp tôn chen chúc, úp xúp, với những ngọn
đèn leo lét như ngái ngủ, đêm đến vang lên tiếng muỗi như ri và những
tiếng ú ớ trong giấc ngủ mê mệt sau một ngày bán sức quần quật ở Sáu
Kho, Máy đá, Ximăng... Chúng ta cũng thường gặp họ ở những ngõ hẻm
lầy lội mà sau một trận mưa, nước ngập vào tận giường ngủ của các gia
đình, những ngày mùa hè luôn luôn có tiếng ầm ầm xô xát giành giật nhau