Tâm "hừ" mạnh một cái và lay tai nó:
- Giỏi thật! Thôi được, để mai tao sẽ xem bài vở mày.
Tâm ra ngoài cổng, vài đứa trẻ vừa trông thấy Tâm đã chào răm rắp.
Không phải chúng là học trò Tâm. Vì Tâm tuy đứng đắn nhưng rất mến trẻ.
Tâm hay hỏi chuyện chúng và cho chúng xu, nên Tâm được chúng quý
trọng. Nhiều đứa đã cố nằn nì cha mẹ xin cho mình được thôi học ở trường
tư dưới phố để học Tâm. Cha mẹ chúng tuy bằng lòng nhưng không muốn
cho chúng thôi ngay: làm như thế tỏ ra mình phũ phàng quá. Trong khi chờ
đợi, những trẻ này bứt rứt lắm. Càng thấy học trò Tâm được thưởng giấy
bút và dắt đi chơi luôn chúng càng thúc giục cha mẹ. Nhiều người đã bảo
các phụ huynh nọ:
- Để con mình học gần nhà và luôn luôn bị thầy dọa nạt có hơn
không?
Họ tưởng Tâm cũng như các nhà giáo khác, ngoài bổn phận dạy dỗ trẻ
còn phải trông coi chúng như cai tù khắc khổ đối với tù. Không! Tâm mặc
chúng tha hồ đùa nghịch những giờ nghỉ, miễn là đừng chơi bời tai quái,
dại dột. Một đôi khi, bất đắc dĩ phải đe nẹt chúng, Tâm chỉ làm cho chúng
biết lỗi bằng những lời ngăn cấm và khuyên bảo chứ không bằng roi vọt.
Như đối với An trên đây, Tâm đã vì bà nó mà cử chỉ gay gắt đến thế. Thật
ra, Tâm bằng lòng để nó nô nghịch thoải mái. Ngày thơ ấu tối tăm và đầy
đọa của nó chỉ có chút ánh tươi vui trong tiếng reo cười những phút say
sưa, ham mê chơi bời.
Bà mẹ Tâm cũng đã làm cơm xong. Tâm ngồi vào ăn. Mẹ Tâm luôn
luôn nhìn con, mắt sáng lên, lấp lánh những ánh vui hồn hậu.
- Năm cái bàn kê vừa xinh con nhỉ?
Tâm cười với mẹ, thong thả đáp: