- Ai dào! Tôi đây thì chó nó chửi cũng được. Nhà cửa tôi ở xa...
Những lúc mụ đàn bà này lên tiếng bên cạnh chồng như thế, người mẹ
già đành thôi. Bà phải nuốt xuôi những cái nghẹn dồn lên cổ họng rồi quay
đi chỗ khác, bắt tay vào việc. Một năm, hai năm, ba năm,... cho tới khi
được con cái Thuột là cháu đầu lòng, người mẹ già không còn thấy sôi nổi
lên vì bực tức nữa. Và, bà như là không trông thấy gì, nghe thấy gì, trong
gian buồng của vợ chồng thằng con trai ở đầu nhà kia!
Đã lùi lũi vào nhà với con bé, cái Thuột vẫn lúng búng trong mồm, tuy
Thuột thấy bà nó là phải! Bà nó! Cái trí nhớ của Thuột tuy mong manh
nhưng vẫn không quên được cứ những lần nào bố nó bỏ nhà đi xa và mẹ nó
không đi chợ hay đi làm được, thì những lúc nó đói không một ai cho nó ăn
đấy, chỉ có bà nó thổi cơm cho nó ăn, mua chịu quà bánh cho nó nữa. Cái
Thuột được ăn thật no hàng tuần lễ, hàng bao lâu không biết nữa.
Bà Phó bế đứa bé vào theo. Trong nhà xộc thêm lên một ít nồng nực vì
hơi mồ hôi người và quần áo nhớp nhúa. Bà Phó đặt con bé xuống giường,
nhớn nhác trông xem cái quạt nan ở đâu để mà quạt cho cả hai bà cháu,
không người đến điên lên mất vì nóng nực. Cái Thuột đưa cái khăn mặt sấp
nước vào cho bà nó. Bà lau mặt, cổ, ngực cho con bé rồi mới lau cho mình.
Một tay xoa rôm ở lưng con bé, một tay bà quạt liên tiếp.
Nắng bên ngoài vẫn chói lọi. Ánh vàng sáng ngời tràn ngập hết mọi
khoảng, trời cao vút, mênh mông xanh. Ở những nhà chung quanh nổi rõ
những nhịp võng đưa đều đều, những tiếng ru uể oải và những tiếng gà
chiêm chiếp. Đâu đây tiếng ve sầu kêu ran đã thành một làn thanh âm buồn
rượi không thay đổi dưới nắng thiêu và những làn hơi mờ mờ.
Con bé đã gà gà, bà Phó cuộn một cái áo cũ, gối đầu nó lên. Bà càng
đều tay xoa quạt. Giây lát sau chân tay con bé duỗi mềm ra. Sự phẳng lặng
nổi hẳn lên trên nét mặt nó. Bà Phó nhìn đôi mắt hơi xếch, khép lim dim,
và vành môi cong ngậm hờ hờ, lắc đầu chép miệng: