có một đời chồng. Ả còn đẫy đà gấp rưỡi Ký Phát. Ả làm chủ một cửa hàng
đáng mấy nghìn và chẳng có con cái, anh em.
- Thôi đi nằm xuống đây để con bóp cho, chứ đêm hôm khuya khoắt
thế này dì còn đi đâu làm gì nữa?
Tối hôm ấy đứa con gái lớn Ký Phát níu lấy cổ mụ kéo lại. Ông bố Ký
Phát ngồi ho sù sụ trong màn cũng cố nói ra, giọng phều phào:
- Dì cái Tý định đi đâu hở? Thôi con ở nhà cho cái Tý nó đấm bóp cho
rồi thầy bảo... Con phải nên nghĩ đến thầy và chúng nó, còn thì mặc giời!
Mà thầy u và trẻ mỏ cũng chỉ biết có con, chỉ ăn ở với con, chứ không
mong gì sự sung sướng của ai hết!
Ký Phát về nhà lúc nào không biết, sừng sững ở giữa cửa. Mắt hắn
long sòng sọc, môi mím lại.
- Xéo ngay! Xéo ngay đi con cá mắm kia! Mày phải lìa ngay cái nhà
này đi, nếu không còn ở ngày nào thì chết với ông ngày ấy. Mà mày cứ lì lì
ở nhà ông làm gì, cái thứ con vợ như mày ấy! Hở con cá mắm?!
Cả bố mẹ Ký Phát đều nín thở, lấm lét nhìn cơn thịnh nộ của con trai
nổi lên. Mụ còn bàng hoàng chưa kịp nghe ra câu gì, Ký Phát đã xông lại.
Hắn xoắn lấy mớ tóc của mụ, lôi xềnh xệch mụ ra ngoài cửa, gầm hét vang
nhà. Bốn đứa con nhỏ của Ký Phát run cầm cập, nép vào nhau. Đứa bé nhất
đương phải bế bỗng òa lên khóc. Những tiếng khóc khác liền vỡ ra như ri,
tưởng mụ như là cái xác chết của người mẹ năm đứa bé nọ khi liệm vào áo
quan, phu đồn khiêng đi, lũ nhỏ lăn vào níu giữ năm xưa.
Từ ngày mụ đi khỏi, Ký Phát tưởng bòn rút được tiền của ả kia, ngờ
đâu một xu ả cũng không rời! Đi làm hai buổi về, Ký Phát chỉ được ăn bữa
cơm chín cùng với bố mẹ và năm con, rồi phải trông nom thu xếp cho ả
như một đầy tớ hết lòng. Ngoài ra, Ký Phát còn phải muối mặt chịu sự rủa