nào với một xâu thức ăn kia? Rồi một lũ năm cái đầu khăn xô, áo xổ gấu
lượt thượt ấy mời mọc những ai và cúng lễ thế nào?
Mụ Mão càng đau đớn, các hình ảnh và những tiếng khóc không lời
càng kéo lê thê trong tâm trí mụ.
Tuy không nhìn ở trước mắt, nhưng mụ thấy rõ ràng trên cái giường
cũ trước kia những ngày nắng to mụ thường đem giát ra đập bụi và bắt rệp,
bà mẹ Ký Phát đương nằm rũ ra và nức nở. Ông cụ thì ngồi bó gối ở tấm
phản gỗ thấp dùng để ăn cơm. Lũ trẻ con đứa đứng tựa cột nhà, đứa nằm
còng queo cạnh một xó vách, đứa lê la dưới chân bàn thờ sấu mếu với
nhau. Và tất cả những đồ vật tồi tàn trước kia luôn luôn mụ Mão thu dọn
lau chùi khiến trong nhà vẫn sạch mắt, cũng như ủ rũ cùng với bọn trẻ từ
nay trở đi càng nheo nhóc đói khổ.
Mụ Mão nức mấy tiếng, nước mắt mụ giàn ra, nếu mụ không đi lấy
người khác giờ ở với hai bố mẹ và lũ trẻ con côi cút nhà Ký Phát, thì chắc
chắn những con người khốn nạn ấy lúc này đây càng gần gũi, thân mến mụ.
Mụ sẽ cùng khóc với những đứa trẻ và mụ được nói những lời nghẹn ngào
an ủi như trong cái thời kỳ tất cả nhà Ký Phát bị tình phụ, cơ cực rau cháo
với nhau. Mụ không có được sự sung sướng đẻ con cái, nhưng thay mặt mẹ
chúng nó, nuôi nấng, chăm nom chúng nó. Mụ cũng được rung động với
cái tình mẹ quý báu đó. Chúng nó tất nhiên cũng thương yêu lại mụ và do
thế, mụ càng nức lòng trong việc làm ăn và có được sự thiết tha để sống
qua những khó khăn của cuộc đời.
Bỗng, thật như có hơi nóng quen thuộc của lũ trẻ sát vào người mụ.
Ba đứa em nhỡ của cái Tý nằm ngổn ngang xung quanh mụ, thằng bé
út ngáy đều đều trên đầu gối mụ. Soi sáng cho gian nhà lá ngọn đèn hoa kỳ
vặn nhỏ lặng nhìn mụ như một con mắt tê mê nổi trên cái nền mờ mờ tối
dưới mái lá. Quấn quýt bên mụ Mão, những đứa trẻ ấy được nuôi nấng, dạy
dỗ và cho ăn học thế nào chẳng có đứa nên người. Hai thằng con trai lớn