đạc và đưa con ra tỉnh cho người vợ ở vú ngoài ấy để kiếm chỗ làm. Và tôi,
tôi cũng phải đi gấp để kịp giờ tàu chiều. Và cũng không có tiền thuê hẳn
một xe tay để ngồi thoải mái với cái hòm chỉ có sách cũ.
Một đồng rưỡi... một đồng bảy... hai đồng... hai đồng mốt... hai đồng
hai... đến ba đồng năm xu ông già mới nhận chở. Tôi đã ngạc nhiên với cái
giá hạ này. Kể ra riêng chỗ hàng người đàn bà giả đến ba đồng xe ngựa
cũng không được. Thế mà lại còn bao nhiêu đồ của người đàn ông và tôi
nữa.
Chúng tôi khởi hành vào khoảng một giờ. Lúc đó người mua bán đang
mải miết ồn ào trong cái chợ phủ họp ở hai bên con đường gạch san sát xây
quán ngói quán lá. Lúc đó cái nóng cũng đang tột độ gay gắt. Trên cao, mặt
trời không còn để một ai nhìn lên vầng lửa đỏ rực của nó, cứ đỗ xuống mắt
người ta cơ man những bó kim sáng chói. Không những thế, nếu người ta
ngước mắt lên thì còn phải chịu sức cản ghê gớm nữa là không trung.
Không trung bao la, không trung bát ngát. Không trung chót vót. Nắng sém
lại thành một tảng vàng dầy đặc, nắng không cái gì đủ để đo lường, bốc
khói cuồn cuộn mênh mông, chỉ chờ người ta chớp mắt một cái là sập
xuống. Cảm giác nào của người ta cũng bị tan đi trong một cái choáng váng
ở giữa khu vực thẳm và lò điện đương ra thép...
Từ nhà trọ bước ra tôi đã rung cả tâm trí, toan thôi. Nhìn xung quanh
tôi và nhìn đâu đâu tôi cũng chỉ thấy nắng. Mọi nhà ở, vườn tược, lũy tre,
cánh đồng, gần xa đều mờ mờ toát hơi. Gió vắng bặt và hễ nổi lên lại tung
cát bụi lầm. Cái nóng dội nữa vào mặt người ta, xộc vào tận đỉnh óc người
ta, làm cồn cào gây người thêm.
- Dốc!
- Đẩy mạnh!
- Ôtô kìa!