hết người trong làng lại tiếp tục làm việc. Ở từ những mái rạ chật chội, xiêu
vẹo, đến những nóc nhà ngang chắc chắn kín đáo, chỉ thấy những tiếng
động, những dáng người cặm cụi mà rất ít tiếng cười nói. Và tịnh không
một ngọn đèn. Cả ở những bờ hè mà mấy người già tiếc rẻ thời giờ và ánh
sáng, còn giở quần áo ra và vừa ho sù sụ, vừa thở ì ạch mà vẫn phải gắt
gỏng, để mắng những đứa cháu chí chóe ở bên cạnh.
Cả Láng, Nhớn và hai đứa nhỏ cùng ở ngoài sân mà nền đất đã nhẵn
thín và dưới trăng, như láng thiếc. Trong tay Nhớn, những nắm bèo cái xồm
xuề cứ ngoem ngoém tơi ra bởi lưỡi dao thái đều như máy. Bên những
tiếng soàn soạt này, tiếng học bài nghêu ngao của hai đứa nhỏ càng vang
lên, khiến người ta tưởng chúng nó hát với nhau. Mẻ gạo Láng đã nhặt
được quá nửa thì mắt Láng nhức lắm, ứa nước và nặng trĩu. Không làm
việc lặt vặt như em, Láng cũng đã quần quật từ sáng sớm tới năm giờ chiều.
Láng đi giã bột thuê cho một chủ hiệu khách bên chợ Huyện. Cả tháng đủ
ba mươi ngày thì được bẩy đồng rưỡi. Đó là vào món tiền gạo, mắm của
bốn miệng chị em trông phần lớn vào đó. Còn sự đóng góp, giỗ chạp nữa,
Láng và Nhớn phải bảo nhau mà lo cho đủ để khỏi tai tiếng cho nhà, cho
thằng em trai sau này nhớn lên còn hòng đường vợ con và sự ăn ngồi trong
dân làng. May mặc là chuyện cuối cùng, rách thì vá, vá không được thì
chắp nối đụp lại rồi mới dám tính đến cái mới. Như cái dây lưng lụa mộc,
giá ba hào chỉ kia, Láng chỉ được phép thắt khi ra ngoài đường bị mắt thiên
hạ xét nét từng li từng tí.
Cất mẻ gạo vào thạp, Láng thấy vẫn còn sớm, bèn ra ao hái thêm vài
chục mớ rau muống nữa để đỡ việc cho em. Ra khỏi ngõ nhà, rẽ vào cái lối
đi sát với hàng rào nhà người dì ruột, Láng chợt đứng lại hồi hộp. Bên ấy
có tiếng cười nói vồn vã:
- Bu xách cái gì thế? A, dứa đấy à?!
Người dì Láng ở ngoài ngõ vào, một cánh tay trĩu mấy quả dứa vàng
ấy vẻ mặt tràn đầy hể hả. Con bé em họ Láng vội đỡ lấy hai quả, nhấc lên