họ lấy được một đồng bạc nữa, trừ phi có đồ vàng, quần áo tốt hay một thứ
gì đáng giá. Nghĩ đến gói sách Lưu bỏ xó đấy, y tiếc sao không đưa đi bán
việc gì còn phải khí khái bỏ lại, vì chẳng nay thì mai nó cũng đến bán tống
bán táng đi như bao nhiêu vật khác! Nhưng tưởng tới những vẻ giọng nói
căm hờn và xua đuổi của người nhà Lưu, vợ Lưu liền lắc lắc đầu:
- Hừ! Sách vở chữ nghĩa người ta sắm sửa cho con người ta học hành,
mình động chạm đến làm gì. Mình chẳng ăn cả vào đó nào, rồi có sao
người ta lại bảo vì mình mà con người ta có cái gì cũng phải lột ra hết.
Câu nói thầm này vừa dứt, vợ Lưu rưng rưng nước mắt. Y cắn môi,
bước nhanh hơn.
Đèn phố đã bật. Những tia điện vàng đục chảy nhễ nhại với những
nước mưa. Quãng đường này gần chợ, sự nhớp nháp càng nồng nặc. Người
đông nghịt cùng xe cộ và gồng gánh chen lấn nhau ồn ào lêu nghêu nổi lên
cái đám đông xám xịt và nhộn nhịp ấy, những cành đào bán sớm, lá và nụ
mới chớm trông khẳng khiu, gai góc như những cành rào găng cháy nắng.
Đã thế, những người nhà quê lặn lội ra để bán hớt nhau, vừa lảo đảo vác,
vừa phải luôn luôn kêu lên để tránh sự xô đẩy. Hai bên bờ hè, những gánh
cam, quất, cúc, thược dược và những hàng tranh Tàu, tranh lợn gà, câu đối
dần dần bị tràn đi, rồi ngập hẳn trong cái bể mực cặn của phố xá đương nô
nức sắm sửa.
Vợ Lưu đã thở bằng tai, và mồ hôi đã đằm nách. Trống ngực đập rộn
lên, vợ Lưu chớp chớp mắt nhìn như là những cái chớp nhoáng ở trước
mặt. Vẻ tưng bừng của thiên hạ lúc này mới thật rõ rệt. Tiền bạc thật là
tung ra, thật là bị tranh giành, ngốn ngấu. Những sự say mê, ganh đua, gắng
gượng, quằn quại, nhọc nhằn đều ngùn ngụt khí nóng, làm tối thêm, đè nén
thêm cái không khí của buổi chiều mà cái tết đã bắt đầu hiển hiện. Những
năm trước, ngày còn con gái và đương đi làm, dạo này là vợ Lưu cũng
đương hồi hộp vô cùng. Cả một năm y đi đủ tầm, sổ sách mà trên nhà giấy
sắp tính trọn vẹn, y sẽ được thưởng mười công, một cái chăn và năm thước