vải để ăn Tết. Đem bán lại những thức này, thêm vào món tiền tháng chắt
bóp được, do ngồi bát họ dốc ống mới lấy về, y may mặc, sắm sửa thêm
vành cánh, để dành thêm sau này khi đi ăn tây ở riêng và để góp mặt với
chị em đi đây đó. Thế là đủ sự khao khát. Ngoài ra, cái mùa xuân cái năm
mới sẽ đến kia, tốt đẹp hay thay đổi ra sao cũng được. Vì, tuy không biết
nói nên thành lời những sự ấp ủ, mong muốn của tâm hồn mình, nhưng còn
trẻ và chịu khó như y, y không tin sao được đời mình thế nào mà lại không
tươi sáng sung sướng.
Nhưng giờ khác hết cả rồi! Người con gái phơi phới vui tin kia đã
thuộc về hẳn một người: Lưu. Lưu kiếm cho y ăn, y mặc để y chăm nom
hầu hạ Lưu. Y đổi lấy những sự cần dùng cho mình bằng sự làm việc hết
lòng của mình mà vẫn mang tiếng nhờ vả, lười biếng, vô tích sự. Trước mắt
bao người, y chỉ là kẻ làm khổ sở, bệ rạc cho chồng. Lưu yêu thương y, y
biết lắm. Nhưng nhiều khi sự yêu thương lại là một sự hèn đớn làm cùn cả
tinh thần, làm nhục cả con người. Cho dẫu cả anh em, họ hàng Lưu, nếu họ
chịu nhận y làm dâu con! Thà rằng y vất vả lầm than mà tự tay mình nuôi
thân, rồi ngoi ngóp cất đầu lên, tìm được đường lối gây dựng cho đời mình.
Không riêng vợ Lưu mà nhiều người đã nghĩ và nhất quyết như thế!
Chịu sao được cái tình thương thừa thãi, thí bỏ của kẻ vuốt ve người ta mà
vẫn rẻ rúng người ta, lợi dụng rất nhiều người ta mà vẫn nêu cái tiếng cưu
mang phúc đức? Người ta chỉ cần được quý trọng với cái giá trị thực của sự
làm việc và tình cảm của mình. Và, cũng một tấm lòng thương yêu nhưng
đó thật là của tâm can con người hiểu biết nhau, cảm thông sự đau khổ,
mừng vui, tin tưởng với nhau, và cùng chung với nhau những thiết tha
mong muốn. Sự thực của cuộc đời càng ngày càng chứng tỏ sáng suốt điều
ấy. Chỉ tự tay mình chỉ những con người như trên kia mới thật là ruột thịt,
cởi mở hết cả cho nhau, và bắt tay với nhau được đến cùng để đi tới hạnh
phúc.