những người nghèo trong xóm, họ đã lìa hẳn quê, sống gửi chết nhờ ngoài
tỉnh.
Mưa nắng, cả hai vợ chồng và đứa con gái lớn đều dậy từ lúc gà gáy
tinh sương, chẳng cơm nước gì cứ nguyên đầu tóc, quần áo ấy ra đi biền
biệt đến sẩm tối mới về.
Ngày lại ngày, bữa nào cũng như bữa nào, năm miệng ăn chỉ có một
nồi ba cơm. Gạo thổi không độn khoai thì độn ngô, và là thứ gạo máy, đong
mỗi hào dôi được vài lẻ. Thức ăn của họ tôi chỉ thấy liên tiếp những rau
lang, những rau diếp nhặt lại hay những rau bán ế. Họa hoằn mới có bát
dưa muối hay nồi canh cải nấu với mắm tôm, mà cả nhà được sụp soạp
những chiều nào lĩnh lương hay bán hết hàng.
Về những chiều tối này, nếu không phải đi dạy học, tôi thường ở nhà
cùng vợ chồng bác chuyện đôi câu khi bác thổi nấu ăn uống. Nhưng, cả khi
nhà bác có tiền mua dầu thắp đèn, cả khi dọn cơm ra bờ hè ăn nhờ ánh
trăng và cả khi rét mướt ngồi bên cái đống củi vụn mà Thạo lớn nhặt nhạnh
được về đốt lửa cháy hồng hồng khói lởn vởn, vợ chồng con cái bác cũng
vẫn im lặng như những cái bóng lờ mờ xam xám của họ.
Người đàn ông chỉ đưa bát cho con xới cơm mà không cất tiếng bảo
nó một lời. Người vợ chỉ gắp rau cho cái Tý con, cũng không hỏi nói gì cả.
Cái Thạo lớn và cái Thạo bé thì cúi hẳn mũi vào bát. Còn đứa con bé nhất
hoàn toàn là một cái núm thịt động đậy, khuờ khoạng và lấm lét.
Tiếng nói, tiếng cười, sự chuyện trò: vàng ngọc đã quý hiếm nhưng
cũng còn dễ thấy hơn những tiếng người nói ra một chút vui mừng hay một
ý nghĩ, một vài xúc cảm của mình, dưới cái mái lá thấp tối này, trong
những buổi chiều của sự sum họp, nghỉ ngơi. Những lúc đó, tôi càng để ý
đến một linh hồn trong đó: Cái Thạo bé.