Mắt Thạo bé chớp một cái như để lấy thêm sức mà chịu đựng cái nhìn
sáng quắc của mụ chủ nhà sừng sững trước mặt nó. Sau đó, Thạo cúi
xuống, giọng nhỏ hơn:
- Thật thầy cháu ra phố ạ...
- Thế thầy mày không để tiền giả tiền nhà tao à? Hai ba tháng của tao
rồi! Tháng này thầy mày đi đủ tầm, lĩnh được hơn bảy đồng cơ mà.
Lần này Thạo chỉ gằm mặt xuống với những sợi lá chuối tước giả làm
rau bán ở dưới đất. Nó di di móng tay lên, trong khi mụ chủ nhà lại dằn
tiếng:
- Sao nhà chúng mày lại khốn nạn như thế được? Người ta ăn ở như
vậy mà không chịu biết. Bố mày, công ăn việc làm ông xếp nhà tao phải sai
cả "adăng" đi nói cho, rồi gạo tao cũng phải bán chịu cho, không có lấy gì
mà ăn, chồng đi làm vợ đi chợ, chúng mày nhởn nhơ cả ngày? Thậm chí
đến tiền vốn của mẹ mày cũng là tiền họ của tao; thế mà có một tháng mấy
hào tiền nhà bố mẹ chúng mày cũng chây lười. Thôi! Những tiền gạo và
tiền mẹ mày vay góp kia tao không nói làm gì, nhưng còn cái tiền nhà về
phần thầy mày chịu đã đóng cọc của tao ngót ba đồng rồi thì phải nghĩ mà
giả tao. Một núi lạt một đồng xu, một hòn đất một bát cơm, tao có đi ăn
cướp được tre lá, hay mượn không được người ta làm cho đâu? Tao có khất
được thuế đâu? Thương tình nhà chúng mày tao đã cho ở không hàng năm
rồi. Không xem đấy như ở ngoài xóm, một gian nhà hễ chui đầu vào là
chổng đít ra liền với cống rãnh cứt đái mà cũng đồng bạc một tháng! Đây
nhà tao bố mẹ mày đã ở vung vinh như động tiên ấy lại còn nào giường nào
vại nào hòm của tao cúng tiến cho nữa... thế mà không chịu nghĩ! Hừ!...
hay thấy tao không như ai thì bố mẹ chúng mày không còn nể? Thôi này, để
tao phải nói ít chứ. Bố mẹ chúng mày quá lắm rồi, tao phải đối xử như ai lại
bảo tao là con người ác... Cha mẹ chúng nó! Ấy những quân khốn nạn ở
mấy cái xóm này nó vẫn kháo lên mãi trên phố rằng mình ác nghiệt đấy!...