cứ mọc làm hai cánh, một thứ búp như kết bằng nhung và phấn luôn luôn
rủ đến những đôi bướm trắng có, vàng có, đen muốt có, đỏ nâu có, lốm
đốm có, thoáng đỗ rồi thoáng bay đi. Và núp dưới cuống lá, che bởi cái
màng gợn gợn như cánh cào cào, những bắp non nhú dần.
Tôi cũng đã không thể tự nén được. Hễ lần nào ra vườn là tôi phải
mơn man những cái bắp nhú nhú kia mà tôi chỉ muốn bóc ra.
Gần hết tháng hai rồi. Trời chỉ một ngày một nắng nực. Ánh vàng ngời
càng tăng sức nung nấu các thứ nhựa, các thứ hương thơm. Ngoài phía bờ
rào xa xa kia, lúa đã hé đòng đòng. Những dứa, xoài, dưa đã lác đác bán
thật đắt cho những nhà phải cúng của mới và chuốc ăn của mới.
Thế rồi một sáng kia, những bắp ngô của Thạo bé thấy múp hẳn lên,
với những hằn, những khía vàng vàng và những sợi tơ hung hung qua lần
áo óng ánh kim tuyến. Rồi nắng càng chang chang. Tiếng tu hú gần như ran
ran. Những hoa ngô dần xơ xác như vỏ may và những lá khô quắt lại rủ
xuống như tay của người mẹ mệt lả khi gần đẻ. Khi đó những bắp ngô căng
tới cùng độ mập mạp chỉ còn chờ người tách.
Tôi lại càng ngạc nhiên và thấy thêm bao nhiêu lưu luyến cái chỗ ở
này. Tôi có ý định dành tiền nhà và làm lại cái nhà này, để bố mẹ chị em
Thạo ở riêng hẳn hai gian. Tôi sẽ thuê cả cái vườn đằng sau nữa. Những
ngày nghỉ, bố Thạo sẽ cùng tôi, và Thạo sửa sang trồng trọt cái miếng vườn
chung.
Một chút gì có mồ hôi và tinh thần để làm "nhà quê" của mấy chúng
tôi.
Tuy không bao giờ chịu hỏi nói với tôi một vài câu dài, nhưng người
bố Thạo lầm lì kia, đã nhiều lúc để tôi đọc thấy rất nhiều nỗi niềm của y
qua cái im lặng khắc khổ của nét mặt y và cái im lặng hoang dại của cái
chỗ ở hẻo lánh này.