chung đụng với hắn, Chúc tránh sao được những sự giáo giở của một sự giả
thù nung nấu!
Bên sự ghét hắn, không những Chúc ghê sợ hắn mà còn ghen hờn nữa.
Hắn tuy lùn nhưng vạm vỡ. Da hắn đen bóng, bắp thịt tay, bắp thịt
chân, bắp thịt vai và ngực cứ rung rung, cuồn cuộn theo những cử động
thoăn thoắt của hắn. Mắt hắn lúc nào cũng lấp lánh, cặp môi dày, mọng như
tô son. Tóc hắn cứng, đen nếu luật nhà pha không bắt cạo trọc thì hắn cũng
đến phải húi rất ngắn để hợp với cái đầu tròn và cái trán thấp của hắn.
Trong cái thân rừng rực máu ấy hắn còn coi mùi gì những công việc nặng
nề, khổ ải nhất, và, những mầm bệnh khó mà chớm lên vật hắn ốm được.
Án bẩy năm chứ đến mười bẩy năm hắn cũng thừa sức ở lại cái mạn ngược
của sốt rét, ngã nước, phù sũng này.
Không những hắn khỏe mạnh như thế mà còn được thêm những thứ
của quý báu trên hết mọi “của” quý báu của những người tù là sự “vô tư
lự”. Không bao giờ Chúc được nghe một lời thở than của hắn. Cả khi còn ở
trong trại với hắn, Chúc chỉ thấy hắn chuyện trò hát xướng chán rồi thì
quay ra ngủ. Hắn ngủ từ chập tối tới khi kèn la vầy thổi vang mà vẫn còn
ngáy giòn. Sự sung sướng này không phải hắn không hay biết. Hắn thường
bảo đó là giời cho riêng những người vùng hắn. Hắn ở vùng Quảng Yên,
quanh năm suốt tháng hắn đằm mình trong nắng gió và nước mặn mênh
mông. Hắn chỉ ăn tôm, cá tươi và gạo đỏ lứt. Già như trẻ, những người
vùng hắn đều đi nghề và đều bất chấp mọi sự vất vả, nguy hiểm.
Trông thấy hắn hơn hớn như thế, Chúc càng khổ sở, đau đớn, chán
nản. Và lòng hờn ghét của Chúc càng bị nén đi càng âm ỉ cháy chỉ đợi một
dịp ghê gớm bùng lên.
***