tình ý với thày giáo dạy đàn trong nhà chung. Tiếp đó mấy tháng, Na càng
lặng lẽ, có khi cả tuần không ra đến ngoài. Rồi thấy nói Na về quê ngoại.
Thanh là đứa con đẻ hoang mà người ta chờ xem mặt nọ. Na đi biệt
được hai năm thì bế Thanh về. Không còn ai nhận được ra Na. Na càng gầy
yếu, càng hấm húi ở nhà thổi xôi nấu chè, làm bánh cho mẹ. Người nhà
thày đàn giỏi, da như ngó cần, mắt như nước, những buổi lễ cả, lễ sinh nhật
hay các ngày tết đã làm trọng thể vô cùng cái dàn nhạc hát của nhà thờ với
tiếng đàn vĩ cầm của y..., cái thằng bị chước mốc ma quỷ cám dỗ ấy, cũng
đi đâu ấy ngay sau khi tai tiếng kia vỡ ra, và Na không được đi nhà thờ.
Nghe nói đâu y vào Huế, vào Sài Gòn. Bị đuổi ra khỏi nhà chung, y đi dạy
đàn các con Tây ở bên ngoài kiếm ăn.
Người ta bảo Thanh giống thằng ấy như lột, từ cái nước da, cái con
mắt đến cái trán và đường gân xanh ở thái dương.
Người ăn ở với mẹ Thanh sau này làm nghề thợ mộc. Người này cũng
có hoa tay, đặc biệt là lợp nhà. Nhà ông lợp, đồng xu chỉ thả nhẹ cũng trôi
thẳng từ nóc xuống đất. Bà Na cho không con gái. Mẹ Thanh đẻ được thêm
cái Ngơ. Ngơ được bốn tháng thì bà ngoại mất. Khi bà cụ sinh thì, mẹ
Thanh đi rước cha về cho bà cụ xưng tội lần sau hết xong, lạy bà cụ và hỏi
có dặn dò gì không thì bà cụ chỉ lắc đầu, rân rấn nước mắt.
Năm Ngơ lên ba, chú dượng Thanh vào tỉnh làm ở dinh quan Xứ bị
ngã gãy tay. Từ ngày đó ông đâm ra nghiện rượu. Ông bỏ nhà đi các tỉnh
làm với một người em họ và chết vì cảm rượu ở nhà trọ. Mẹ Thanh càng
gầy ốm, ủ dột. Tới năm Ngơ lên năm vẫn bấy bớt, đi phải men giường,
chẳng biết "dạ" biết đòi gì cả. Năm nay Ngơ mười ba, người cứ còm nhom,
đờ đờ đẫn đẫn. Ai có đưa cho tờ giấy bạc bảo đổi lấy tiền xu cũng không
biết đổi ra sao, thế nào là đủ, thế nào là thiếu...
... Có đến mười bốn mười lăm năm rồi, mẹ Thanh ốm hen và vẫn ngồi
cái dáng ngồi ấy, thở những hơi thở, ho những tiếng ho ấy, và ở trên cái