Bữa chiều nay, bà cụ Sấm lại đi vay gạo vậy mà hôm qua còn được hai
đồng bạc tiền cầm cái áo the và cái bao tượng, bà cụ mua cả mắm tôm đặc,
tép khô, gừng, rượu chổi gửi dây thép lên trại giam cho con dâu. Còn Sấm
ở Hỏa Lò Hà Nội thì bà chỉ nhờ thằng Côn viết thư thôi, trong thư toàn
những bảo con trai cứ yên trí, nhà cửa làm ăn rất vui vẻ, và nói với con tù
đày dăm bảy năm cũng chẳng mấy chốc là lại về thôi!...
- Giống chó!... Giống chó!... Nhưng mà với con đĩ và thằng bợm kia
thì giống chó nó còn có nghĩa, chứ chúng mày không được bằng giống chó
đâu!
Cụ Cam nhìn theo hai bà cháu nhà cụ hàng xóm, càng nghẹn ngào.
Ông cụ lại thấy như là người nhà mình cũng nhúng tay vào cái việc làm tan
nát gia đình bà cụ Sấm và nhiều nhà khác nữa. Đã thế người nhà ông cụ lại
chính là con cháu những kẻ đã thúc đẩy người ta đi theo con đường cách
mạng với mình, xướng xuất lên những công việc làm người ta sa vào vòng
tù tội. Thế rồi, lại chính vì sự đầu hàng đầu thú của cái đứa trong người nhà
mình nên mình phải chịu cái nhân quả khốn nạn ác độc ấy...
Cụ Cam tợp hai tợp hết chén vại rượu. Cái khăn bông vắt trên vai ông
cụ tuột xuống mâm, ông cụ cũng mặc. Chưa bao giờ ông cụ lại thấy nung
nấu đau khổ đến như bây giờ. Phải! Chưa bao giờ cái gia đình của cụ lại
chịu một cảnh lạnh lẽo tan hoang đến thế này cả! Cháu và ông, chị và em
lắm lúc chỉ muốn lìa mặt nhau. Công việc bỏ bễ. Giờ tầm người ta đi làm
sở nọ máy kia về nhà, chẳng thấy người nhà mình đâu! Cơm nước chẳng
vào bữa nào cả. Cứ luôn luôn cơm nguội canh thừa đổ vào ang nước vo, và
ang nước vo thì ngập ngụa mà lợn vẫn đói vẫn rít.
Đầu óc cụ Cam sầm sịt lại. Ông cụ giơ bàn tay vuốt vuốt mặt. Ông cụ
lại thấy các bà con xóm lán như là ông cụ bà cụ nhà Sấm, ông cụ Vy, ông
cụ gì đi lưới dưới làng Đông Khê kia, và bao nhiêu anh em đồng chí tốt của
con của cháu mình đều nhìn chõ vào mặt người nhà mình, đặc biệt chỉ nhìn
vào mặt ông cụ, nhìn thôi chứ không có một nhời nào trách móc cả!