những đám thợ chữa cầu và ở hai chiếc sà lan sửa chữa bên bờ sông đánh
lọng thêm vào trong đầu óc Thanh.
Qua cầu, Thanh đành lại phải ngồi xuống dưới gốc bàng và hòn đá
mọi khi vẫn nghỉ. Thanh tưởng sẽ không còn có thể đứng dậy được nữa.
Hôm nay lại có người hẹn tìm việc cho đây. Nhưng liệu có kết quả
không. Hay rồi lại một hẹn khác? Một hẹn khác lại phải chờ đợi hàng tuần
hàng tháng, cũng lại qua lại ở những quãng đường này? Mọi khi qua cái
gốc cây và chỗ ngồi này, Thanh lúc giở về cũng mệt nhọc và buồn nản,
nhưng hễ sắp đến hàng cụ Ước là Thanh lại thấy bớt hẳn đau khổ. Rồi khi
Thanh ngồi xuống bên ông cụ, ông cụ rót nước cho uống, lấy khoai lấy kẹo
cho ăn, Thanh lại dần dần hồi lại tinh thần. Nhiều hôm Thanh và ông cụ
cùng về nhà, ông cụ gánh giành nước và cái hòm kính, Thanh xách xâu
bánh đa, rau hành và con cá, hai ông con vừa đi vừa chuyện, Thanh còn
thấy nhẹ nhàng, vui vẻ hẳn lên nữa. Y như Thanh được đi làm về! Đi làm
với cụ Ước vậy.
Nhưng cụ Ước mất rồi! Hàng để lại cho chị em Dâng mà thường là cái
Ngọt đi hàng, còn Dâng thì cất bánh khúc nóng đi bán tối với thằng La.
Chỗ ngồi dạt vào mãi trong ngõ. Cái chỗ cũ giờ treo một miếng vải to vẽ
một bàn tay xòe ra và một mặt người vuông chằn chặn, chằng chịt những
đường ngang nét dọc, những chữ Nho viết bằng mực Tàu và dạm thêm son.
Cái lão thầy tướng này nghe đâu có người làng làm đội xếp ở bóp đầu cầu.
Khi cụ Ước vừa mất thì lão đương ở gốc cây bên kia đường, ôm ngay
chiếu, tráp sang xí phần. Lão cũng già nhưng mắt sáng như mắt vọ, đeo
một cặp kính lão gọng đồng mà bất kỳ người chưa đến tuổi nào đeo cũng
được. Tóc lão đen, cứng, cợp lên. Râu chuột. Lúc tán quẻ cho khách thì như
khướu hót, còn chèo kéo người xem thì y như mấy hàng kẹo kéo và mấy
thằng ba que ở cổng chợ. Cạnh lão thầy tướng là một hàng thịt bò khô. Gã
bán hàng tóc gọng kính, răng vàng, lúc nào cũng tanh tách chiếc kéo. Và
hàng bánh rán nhân thịt của một chú khách. Chú này cũng hen suyễn như