Thanh và cái Ngơ sẽ có một đĩa cháy bánh, anh em chia nhau ăn chờ đến
chiều mẹ về chợ đong gạo mới nấu cơm.
Cái ánh lửa quen thuộc ở dưới bếp lại thoáng qua trí tưởng Thanh.
Thanh thấy nhớ và ngậm ngùi.
Đã có lần Thanh tính đến sẽ xay bột, quấy bánh rồi đi bán thay mẹ.
Một giai mười tám tuổi học trò, đội mũ ngồi sau mẹt bánh đúc, cắt bánh,
lau bát đũa và đón lấy những đồng xu của đàn bà con gái giả tiền ăn... cái
hình ảnh ấy làm tâm trí Thanh nhói hẳn lên. Thế nào thì thế, người nhìn
Thanh cũng phải lấy làm lạ. Cũng như đối với bao nhiêu lối xoay giở làm
ăn kỳ cục của những người thất nghiệp nhan nhản ngoài đường phố.
Không!... Không!... Thanh cũng như những người còn mạnh chân khỏe tay
kia không việc gì mà xấu hổ. Có thì chỉ đau xót thôi! Đội than, móc cống,
kéo xe rác, vác nứa, đẩy xe ba gác, chẻ củi, quét chợ... khó nhọc lam lũ thế
nào cũng được. Miễn là đừng buôn gánh, bán bưng tranh cả với đàn bà con
gái. Miễn là đừng phải lê la đầu đường cuối chợ với một sức dài vai rộng.
Điều này không phải chỉ đàn ông con giai nghĩ mà tủi cực. Nhiều người
con gái lớn mà Thanh đã chú ý, nhất là khi hỏi chuyện, họ cũng tỏ vẻ
ngượng nghịu vì cái mẹt tò he, rổ mía bưởi cắp bán rong hay khi họ đứng
chào khách ở các cổng chợ, rạp hát, bãi bóng.
Nhưng cả đến đội than, quét đường, múc nước cống, chẻ củi... ở cái
thành phố lớn này sao mà cũng khó xin thế. Sáu Kho, bến tàu, Xi măng,
Cốt phát, lán bè, các tràn than, các cửa hiệu... hàng mười lần, hai mươi lần,
năm mươi lần, trăm lần rồi..., Thanh dò hỏi, nộp đơn, chầu chực, nói khó,
cạy cục nhưng không được làm đâu cả. Có vài chỗ người ta hứa đấy nhưng
Thanh chờ hết nước hết cái, hết hẹn nọ đến hẹn kia, để rồi lại được giả nhời
thế này:
- Sở không lấy người nữa!
- Hết việc rồi!