Nhưng đây đã phải là một cơ hội để Thy San bắt tay vào công việc?
Và một cuộc kinh doanh như thế thu lợi sẽ được bao nhiêu?
Những con số dự kiến lại lần lượt mở ra trong đầu Thy San. Tiền lãi
về bao thầu, gỗ, đá, gạch ngói để xây dựng hải cảng... Tiền lãi về bán thực
phẩm và vật dụng cho các tàu ngoại quốc cập bến và cho hàng vạn gia đình
phu, thợ, cai ký và người các nơi đi, đến... Tiền lãi trong cổ phần khi công
việc hoàn thành... Sau đây lại còn những độc quyền khác về một số hàng
xuất nhập cảng... Lại còn cổ phần ở những nhà máy mới... Lại còn tiền thu
lợi ở các hãng tàu, hãng buôn mới đến kinh doanh... Lại bạc triệu và bạc
triệu! Lại những độc quyền và độc quyền! Lại những cổ phần trị giá mỗi
ngày một cao... Tình trạng khủng hoảng sút kém sẽ thay đổi.
Nhưng đã phải là cơ hội chưa? Tiền lãi như thế có xứng không? Cũng
là một ván bài nhưng có đáng là ván bài để nếu cần thì Thy San này cũng
đánh những "quắn" sát phạt?
Thy San tự hỏi và buông một tiếng "chưa" rất ngắn đoạn kéo nhẹ một
hơi thuốc lá.
Thy San lại nghĩ đến tình thế thế giới và trong nước mà y thấy cần
phải đợi xem nhiều chuyển biến nữa để đi đến kết luận và sự quyết định.
Ở Pháp, Mặt trận Bình dân đương mở rộng thì ở Tây Ban Nha lại rục
rịch nội chiến. Đức Quốc xã càng mạnh và cả Mỹ lẫn Anh, Pháp thái độ
nhượng bộ rất nhiều. Ở Âu châu, thế lực của Hítle, Mútxôlini bành trướng
như sóng cồn. Á châu, Nhật Bản càng uy hiếp. Mãn Châu thế là hoàn toàn
thành một thuộc địa, một địa bàn khai thác và chuẩn bị chiến lược về chiến
tranh của công ty Mítsubítsi và Thiên hoàng mà tất cả đế quốc Âu Mỹ đều
trắng mắt ra nhìn. Rồi đây, quân đội Thiên hoàng còn đạp qua đầu nhiều đế
quốc da trắng tiến những bước gì nữa? Đông Dương, Xiêm, Phi Luật Tân,
Nam Dương và lại cả Tàu nữa, ai mà lường trước được những biến cố ở
những đất này với Nhật Bản lầm lì, quyết liệt kia?!