cả răng bán. Những đêm bão tuyết, dưới những gầm cầu những đống sắt
đống gỗ, có những ông già bà lão và những gái mãi dâm ngồi ho rũ chưa
đến sáng đã chết. Có những người mẹ đông con, thì những đứa mười bốn,
mười lăm, mười sáu bỏ đi hết... đi giết người thuê, đi làm bồi bé con nhưng
thật là làm đĩ đực, và khi có tiền thì những đứa trẻ nọ đi uống rượu, tiêm
thuốc phiện trắng và cũng kiếm đĩ. Trẻ con còn được thuê đi đốt nhà và
khiêu khích khi có những cuộc đình công của thợ thuyền. Và thất nghiệp,
tự tử. Lấy lưỡi dao cạo cắt mạch máu. Từ trên gác mười lăm hai mươi tầng
bước ra khỏi cửa sổ. Nhảy ôm vào những luồng dây điện nặng. Bắn chết
các con rồi bắn mình... Trong cảnh ấy... sữa đã phải đổ xuống sông, từng
tàu chở. Lúa mì và ngô, đỗ, hoa quả cũng thế. Hoa quả quý như cam, thứ
cam vàng tươi gói giấy mỏng như lụa, người nghèo chỉ những ai ốm sắp
chết, chồng con muốn giả nghĩa, bố mẹ muốn hết lòng, thì mới được mua
vắt ăn, thứ cam bày ở mấy hiệu ngõ Hàng Cháo kia kìa thì đem để thối từng
kho rồi cũng đổ đi. Lợn cũng hàng tàu đem ra biển đổ cùng với thịt muối,
dồi sấy, và các thứ đồ hộp để ôi thối ra.
Ở Tàu, ở Ấn Độ thì chết đói hàng triệu người là sự thường quá rồi!
Những kẻ nghèo ở Ấn Độ phải sống riêng một khu, khi ra đến đường được
người giàu sang cho tiền thì kẻ cho quay mặt đi mà ném tiền xuống đất...
Nhưng, trên mặt đất của cái thành phố nhỏ mà Thanh đương còn sống
đây thôi, sự giàu sang xa hoa diễn ra không bén gót các nơi văn minh đô
hội nổi tiếng hoàn cầu kia, và Thanh chưa thấy những cảnh thảm khốc như
thế, tuy vậy những nỗi khó khăn, cảnh chênh lệch bất công, và những kiếp
người tủi cực cũng đầy rẫy ở chung quanh Thanh, và chính Thanh cũng
đương phải chịu.
- Nhưng chịu đến bao giờ? Sức đâu mà chịu đựng? Phải chịu đựng
như thế thì sống làm cái gì?
Thanh lại hối hận.