Cái trận ấy đánh nhau với toàn quan ba quan tư. Họ đem mấy con ba nhi từ
Bắc Ninh đánh lên, từ Thái Nguyên quạt sang, vây bốn mặt dưới chân Tam
Đảo. Ông anh tôi vừa đánh vừa lùi phá vòng vây ba ngày luồn trong rừng
rồi bị thương lạc mất đường, lạc mất cả lính thầy... Người Mán đi rừng gặp
cõng ông ấy về động. Tỉnh dậy, ông ấy xé cánh tay áo buộc lại đầu, buộc lại
chân, xin mấy bát gạo rang rồi lại tìm quân Tây đánh và đuổi theo kịp lính
ông Cả và lại lộn về Yên Thế.
Cụ Cam nói, yết hầu cụ thon thót, cái gồ gân như nở lên rồi sụt xuống,
nghe thấy cả những tiếng thở hổn hển. Mắt ông cụ tuy nhắm, nhưng ở hai
trũng mắt sâu nọ Thanh thấy như có những làn ánh sáng quắc lên. Cụ Cam
dứt câu, lặng đi một lúc, giọng trở lại trầm trầm rẽ ràng:
- Phải! Con người không dễ chết đâu! Nhất là con người có cái chí, có
cái khí. Nhiều khi thập phần tử, nhất phần sinh, nhưng còn vững cái chí cái
khí thì nó làm người ta mạnh hơn cả sâm nhung quế phụ.
Thanh nóng rực cả người và cũng nghẹn ngào. Những ý nghĩ như
những roi chớp vút lên. Thanh tự hỏi:
- Hay chính cụ Cam là lính của cụ Đề Thám? Cụ Cam trước có là
người đầu óc thế nào thì bác Cam mới đi làm được cộng sản.
Thanh phập phồng trống ngực.
Từ ngày Thanh mới dọn nhà đến và ngày cụ Ước chưa mất, Thanh
cũng đã để ý đến người ông nội của Cam. Hàng ngày, ông cụ tay chống
gậy, tay xách cái thùng tôn đi các nhà quen lấy nước gạo. Trừ ngày mưa
hay rét quá ông cụ mới mặc cái áo vải Nam Định vùng Báo Đáp dệt nhuộm
củ nâu nhấn bùn, còn đều cởi trần. Ngực ông cụ vú thây lẩy, bên vú trái có
một nốt ruồi to xoăn dài một sợi lông. Bụng ông cụ rốn sâu, nếp bụng chảy
xệ, hai bên rốn đều xờm lông. Ông cụ đi lệch hẳn về một bên, quần ống
thấp ống cao. Cái đầu bạc cạo trọc, quấn chéo vuông khăn mặt vải ta đỏ