sẫm. Đôi mắt sâu chìm dưới cái trán ngắn, da nhăn nheo đen mốc như da
trăn.
Khác hẳn với cụ Ước da như da đồi mồi, cái trán cao, đôi mắt lúc nào
cũng vằng vặc, vừa la cà vừa vui chuyện, cụ Cam vừa cục mịch vừa ít
chuyện. Từ gà gáy đến nửa đêm ông cụ không lúc nào chịu yên chân yên
tay. Không đi lấy nước gạo thì ra ruộng muống, hay quanh quẩn ở chuồng
lợn, ở cái rẻo vườn sau bếp. Ai nói cũng ừ cũng gật. Đến nhà nào, lúc cụ
Cam bước vào cửa và lúc chắt nước gạo đi ra, ông cụ lại xoa xoa đầu trẻ,
nắn chân, nắn tay, nắn vai chúng nó, gật gật nói một câu không bao giờ
thay đổi:
- Ừ cũng khỏe đấy! Nghịch đấy! Nghịch tợn vào, nghịch thật lực mới
được!...
Phải! Có thể ông Cam là quân cũ của cụ Đề Thám mai danh ẩn tích
cũng ra đây tha hương cầu thực. Vết thương chắc ở đùi bên phải nên ống
quần bên ấy lúc nào cũng buông chùng và người ông cụ lệch về bên ấy, đi
khập khiễng. Còn chỗ đầu bị trái phá, sẹo chắc to lắm nên cả khi đi ngủ ông
cụ vẫn quấn khăn. Năm nay ông cụ gần bảy mươi chỉ kém cụ Ước dăm tuổi
mà vẫn còn sức vóc thế kia! Xách chiếc thùng tôn đầy nước gạo, ông cụ
chống gậy đi tập tà tập tễnh, mắt không có, mà cứ đi băng băng. Còn trai
tráng phải khỏe đến thế nào mới theo được những trận như thế. Và cũng vì
có trải qua một thời quật cường như thế, nên từ ngày ông cụ bắt chuyện với
Thanh, chưa bao giờ ông cụ nhắc đến con trai hay phàn nàn nửa nhời về sự
tù đày của con.
Bà Gái cũng ít nói như bố chồng. Nếu không có hàng xóm chuyện về
người cha của Gái của Cam, thì Thanh cũng tưởng bà Gái góa chồng và là
con gái ông cụ. Cũng khác hẳn mẹ Thanh, bà làm quần quật cả ngày. Khi
bố chồng đi kiếm nước gạo thì bà vớt bèo, hái rau, gánh phân. Bước chân
con cón, cái đòn gánh oằn hẳn xuống, bà đi nét mặt cũng đăm chiêu nhưng
không rầu rĩ như mẹ Thanh. Trông bà vừa thấy sự chịu đựng nhưng là sự