Mẹ La lại nghĩ đến ngày mai phiên chợ: có các thuyền mía đến dỡ
hàng và các thuyền bên Kiến An sang ăn than thì mẹ làm ăn thế nào?
- Không làm thì đói, làm thì chói xương hom.
Mẹ La chép miệng, thở dài khẽ, lại cúi xuống miếng mụn vá cái chỗ
đũng quần xoạc ra bằng bàn tay. Cụ Ước rắc thêm nắm mùn cưa, chất thêm
mấy đầu củi, lọm khọm đứng lên:
- Có đun nữa thì mẹ mày cho hai thanh củi kia vào nhé. Sôi già thì bắc
ra đổ vào vò ủ kỹ cho tao. Tao sang với cậu ấy một tí không có chốc nữa
cậu ấy cũng lại đi...
Trời đất vẫn tối. Sương dày từng tảng quấn theo ông cụ. Gió lành lạnh.
Như có mưa bụi. Thấy tiếng người ho và lào phào gọi ngoài cửa, Thanh
nhỏm dậy:
- Cụ để cháu mở.
Thanh nâng tấm liếp, gượng nhẹ kéo ra. Cụ Ước bước vào. Tuy người
ông cụ đã khòm khòm, mấy lâu nay lại gầy đi nhiều nhưng ông cụ vẫn như
con gấu lớn đứng ở giữa gian nhà. Cặp lông mày của ông cụ bạc phơ, rủ cả
xuống mắt. Có những sợi dài cong vươn lên như lông mày của những ông
cụ đẹp lão ngày xưa trong tranh Tàu. Mắt ông cụ hơi nheo lại mà vẫn lấp
lánh. Ông cụ đặt cái ấm tích lên bàn, nhìn Thanh nói:
- Bà lại mỏi, không làm hàng được?
- Vâng, mẹ cháu lại hen. Cụ nấu nước rồi?
- Hôm nay tôi cũng mệt, nghỉ thì tiếc. Tôi nấu có ấm nhỏ bán chốc
nhát cho anh em quen rồi về sớm. Cái chè hôm nay thật là chè vườn bà cụ
Điếc bên Thủy Nguyên, xanh và được nước lắm. Tôi hãm một tích đưa
sang để bà uống sớm.