Thằng con lại giật giật áo người mẹ. Mặt nó nhăn nhúm càng nhăn
nhúm. Nó nhìn người mẹ một cách rất là khổ sở. Người mẹ bé nhỏ, da mặt
mốc như da cẳng gà chọi, tóc như những sợi cước đã bạc quá nửa, lốm đốm
từng mảng trắng, khăn vấn thì trễ gần xuống tai, thòi ra cả cái độn nhỏ như
đuôi chuột chỏng lên đỉnh đầu. Người mẹ nhả bã trầu lại bỏm bẻm nói,
giọng càng tươi càng đặm:
- Thưa với cậu giáo, tam tứ phen cháu đã cho thằng tướng nghịch này
nó đi học rồi. Chắc vì cháu cậu chưa đứng đầu đứng số, chưa hợp thầy hợp
bạn, nên xin học đâu cũng chỉ được lâu lắm là mươi ngày nửa tháng và đến
bây giờ cũng vẫn chưa được chữ nào. Cậu giáo quen biết bên cụ Ước, cụ
Cam, mà chỗ cụ Ước, cụ Cam, bà Gái, tiếng rằng là người tứ phương thiên
hạ nhưng từ ngày nhóm rau nhóm bếp thuê đất làm nhà ở cái xóm này thì
cháu cũng coi như là thân tình ruột thịt vậy. Nghĩa rằng thì là bán anh em
xa mua láng giềng gần, ăn nhạt mới thương đến mèo, có nghèo mới biết
cảnh nghèo ra sao... Nghĩa rằng thì là hôm nay đưa cháu đến với cậu giáo
để nói với cậu giáo cho nó được ăn mày cậu lấy dăm chữ thánh, nghĩa rằng
thì là...
Thanh còn đương bời bời lo tính đến việc dạy bảo khi hai tướng gần
nhau thì người mẹ đã cởi ở bao lưng ra tờ giấy bạc một đồng:
- Nghĩa rằng thì là thưa với cậu giáo, trước lạ sau quen, trăm sự cháu
nhờ cậu giáo cả. Cháu vừa lĩnh tiền, cậu thấy cháu cậu nó phải những giấy
bút sách vở gì thì cậu mua cho, và xin cứ là cho cháu gửi cậu trước tháng
học.
Thanh giật mình, toát mồ hôi trán:
- Thưa bà... thưa bà... sách vở của cháu không có gì đâu ạ. Chỉ cần
một quyển vở cho cháu tập viết, một quyển nữa để viết bài cho cháu học.
Như thế chỉ phải mua một thếp giấy và một cái bìa đóng làm hai quyển.