- Thưa cụ, cháu cũng đã định thi vào đấy, nhưng từ năm ngoái không
hiểu sao nhà nước lại không tuyển học trò vào nữa.
- Thế còn trường nào nữa không?
- Thưa cụ kể thì còn nhiều đấy, như trường Sư phạm, trường Mỹ thuật
nhưng cũng đều không nhận nữa. Còn mấy sở nghe đâu là nhà đoan và sở
cẩm sắp mở kỳ thi lấy người nhưng cháu thấy...
- Đừng!... Đừng!... - Cụ Ước xua tay, chẹp chẹp miệng - Như cậu
không thể nào làm ở những chỗ ấy được đâu! Làm những việc ấy dễ thất
đức lắm. Hơn sáu mươi năm ở cái đất Hải Phòng này, tôi thấy bao nhiêu
người làm nghề ấy rồi đều chẳng ra sao cả.
Mấy ý nghĩ vùn vụt đi qua tâm trí ông cụ. Cụ Ước ngừng lại, sau
giọng trầm hẳn xuống:
- Cậu cứ lần hồi với bà con chúng tôi ở đây. Thế nào rồi cũng có công
ăn việc làm. Có chữ nghĩa và hiền lành, đức hạnh như cậu không lo gì...
Thanh lại nhìn cụ Ước. Trán ông cụ nhíu nhíu lại. Mấy hôm nay ông
cụ tuy võ đi, tiếng ho rè rè, và giọng nói mệt nhọc hơn, nhưng gương mặt
ông cụ vẫn lồng lộng, quắc thước. Nhất là vẻ hiền từ, trung hậu lại càng
chan chứa mà Thanh thấy không vàng ngọc gì ở trên đời này quý báu, chói
lọi bằng. Thanh còn đương tìm chuyện nói thì ông cụ gọi:
- Cậu giáo này! Cậu năng xem sách, và được xem nhiều sách, cậu thấy
có những tích gì hay cậu kể cho tôi nghe với. Mà này cậu giáo!
Cụ Ước buông lửng câu nói. Đôi mày rậm, bạc phơ của ông cụ rướn
lên. Ông cụ nhìn Thanh chăm chắm. Trong đôi mắt ông cụ những ánh lấp
lánh càng sáng càng ngời. Thanh thêm hồi hộp.