- Phải! Cậu được xem nhiều sách như thế, thông hiểu được nhiều chữ
nghĩa, cậu có tin rằng những cảnh nghèo đói khổ não sẽ lấp hết không còn
nữa, và những người ăn ngay ở lành chịu khó thì phải có ngày được sung
sướng không? Nhà ta theo đạo Chúa Giêsu, bà con theo đạo Phật, tôi cũng
theo đạo... đạo làm người. Tôi hỏi cậu bỗ bã như thế cậu nghĩ thế nào?
Lại một lần nữa Thanh bàng hoàng vì ông cụ già mới quen biết họ.
Ước là tên người ta đặt cho ông cụ. Tên thật ông cụ không ai biết cả.
Ông cụ đến ở làng này từ ngày chưa có cả Sáu Kho, cả thành phố Hải
Phòng, và cái khu xóm Cấm này còn là những ao, đầm, lơ thơ mấy xóm
vắng heo vắng hút. Suốt một dải từ trại lính Cátdem, nhà băng Năm sao,
khu phố tây Ngã sáu, và đường Bengích còn thuộc về đồng ruộng, vườn đất
của làng Gia Viên mà đình làng ngày trước giờ thành phố lấy mở làm nhà
"séc" đánh bốc, gọi là Séc đình Cấm.
Ông cụ đã làm đủ nghề: đi lưới dưới Đông Khê, Lương Khê, làm củi
đi than ngoài Đông Triều, Quảng Yên; làm thợ đấu, thợ nề xây Sáu Kho;
đội đất, đào con sông Xi măng rồi vào làm ở lò nung của Nhà máy; khuân
vác ở bến Sáu Kho, bến Xôpha, bến Quảng Đông; ra cả Hòn Gai, Cẩm Phả,
Vàng Danh, Uông Bí, làm phu rồi lại giở về Hải Phòng, rồi lại đi, rồi lại
giở về... Ông cụ có một đời vợ đâu sinh nở được hai lần nhưng đều bỏ cả.
Góa vợ từ năm bốn mươi, ông cụ ở vậy cho đến nay. Gần đây, có gia đình
một người cháu trong Nam Định ra, hỏi thăm tìm được đến ông cụ và ở với
ông cụ, người ta mới lại thấy ông cụ có người thân thích.
Tuy cụ Ước một thân một mình ở trong xóm, nhưng từ các người cố
cựu ở Gia Viên, Lạc Viên đến những đàn bà con gái đi làm Sáu Kho, Máy
tơ, đến những đứa bé đi nhặt ván thùng, đai thép ở làng dưới, đều quý mến
ông cụ, coi như người nhà vậy. Tính ông cụ hay chuyện; ông cụ nhớ rất
nhiều chuyện. Chuyện ông cụ nói, nhiều người đã nghe rồi mà vẫn cứ thấy
như chưa được nghe bao giờ. Mỗi lần ông cụ ngồi trên cái ghế con hay cái
chổi lúa, bên cạnh có ấm nước chè mới hãm, cái điếu cày và một rổ khoai