Lão La không còn thể nhớ được mình đã ăn uống như thế nào, hết bao
nhiêu tiền, đã phải nghe những điều ăn tiếng nói gì của vợ chồng nhà hàng,
và phải nói với họ ra sao. Lão lại khật khưỡng đi, không ra ngủ, không ra
thức, không ra sốt, không ra khoan khoái. Nhưng lão lại nhớ rất rõ những
chuyện cũ với bao nhiêu điều tỉ mỉ mà ít khi lão gợi đến.
Năm nay lão đã bốn mươi sáu. Hai thứ tóc trên đầu rồi. Quê lão ở
ngay gần con sông Cầu Rào kia, đứng ở đầu xóm nhà cũng trông thấy các
ống khói nhà máy Xi măng, Máy tơ, tàu Sáu Kho và cả ô tô chạy Hải
Phòng - Đồ Sơn. Làng Lương Khê của lão vừa làm ruộng vừa có nghề đi
lưới, ruộng công hàng hơn ba mươi mẫu, thế mà nhiều người phải bỏ làng
ra Phòng và đi các nơi đấy! Lão bồ côi cha mẹ. Chăn trâu cho người họ khổ
quá, lão phải trốn ra đi năm mới mười ba tuổi, còn cởi truồng và để chỏm.
Lão gánh nước, quét nhà, cắp rổ đi chợ, lấy than, lấy củi cho mấy cửa hiệu
hàng bánh, hàng phở trên phố rồi sau xin được làm "quýt" dưới tàu Giang
Môn. Được năm năm lão mới vào phụ bếp. Ông bếp già mến lão lắm.
Nhiều khi ông để "thằng chú" nó làm cả bữa cơm có những món sơn hào
hải vị mà từ má chín, mại bản, ba toong, tài công, dì xế... ai ăn cũng không
còn chê vào đâu được.
Nhưng đi làm như thế lão chỉ chôn chân ở mãi dưới tàu và tháng tháng
cứ phải ngửa tay ra như kẻ đi xin tiền người ta thôi! Làm kiếp thằng người
mà cứ mãi mãi chui rúc ở cái bếp chật như nhà ngục, giời nắng bức thì
nóng như vạc dầu, ghê khiếp phát ốm lên được vì mùi mỡ, mùi thịt cá,
mắm muối, sống như thế sao được?! Nhất là lão lại có vợ có con ở cả trên
bờ. Nhất là lão lại còn kẻ nọ người kia họ hàng làng mạc. Phải! Phải! Lão
còn cả cái làng Lương Khê và cái tổng Lương Sâm của lão nữa. Vợ lão
cũng làm thuê làm mướn. Hai vợ chồng dù có kiếm được bao nhiêu chăng
nữa cũng vẫn là thân nhục, mạt đời cũng không khá được!
Nghĩa là phải làm sao lão gây được một cái căn bản để lão lên bờ và
vợ lão thì ở nhà với lão!