có mẹ Xim là như thế. Nhiều trẻ con khác đi làm cũng vậy. Bố mẹ cũng
phải kèm đến nhà máy, dỗ chán lại đánh, đánh chán lại dỗ. Mười ba mười
bốn tuổi, đi làm như thế, công được ngày những bốn xu rồi năm xu rồi sáu
xu. Sáu xu nhà ba miệng ăn được hai ngày gạo...
Nhưng trẻ con ngày ấy đâu được bạo như bây giờ. Nhất là con gái ở
nhà quê ra. Thấy cái xe hồ lô lăn đường xình xịch đến phía mình, nhiều đứa
còn tối rầm cả mặt mũi và cứ thế chạy bổ vào. Bởi thế vào nhà máy, đứa thì
bị quấn tóc vào dây cua roa, đứa thì đút tay vào máy. Đi làm hàng ba, bốn
tháng rồi vẫn còn trốn nhà, sợ cai sợ Tây quá cả tù sợ lính gác và xếp đề
lao... Hơn ba mươi năm rồi! Và mẹ con nhà Xim đi làm như thế đến ngày
nay vẫn chẳng thấy mở mặt cất đầu lên được. Mà rồi đây đứa con bé của
Xim cũng lại đến vào nhà máy kế chân mẹ thôi:
Con ơi! Đừng khóc mẹ sầu
Cha con đốt lửa ở tàu Giang Môn
Bao giờ con lớn con khôn
Thời con lại xuống Giang Môn con làm...
Câu hát mẹ Xim ru Xim ngày xưa, ngày nay Xim lại ru con. Con giai
ở đất Hải Phòng thì lại xuống tàu kế cái nghiệp sông nước dầu mỡ than gio
của cha, con gái lại vào Máy tơ, Máy chỉ, Sáu Kho, Xi măng, Sở chè kế cái
nghiệp đầu đội vai mang, đầu tắt mặt tối của mẹ. Làm thì như thế, mà sống
thì như nhà mẹ La, như bao nhiêu cảnh nhà khác. Đời đời làm thân trâu
ngựa bị áp bức, bóc lột...
Xim chợt chừng những ý nghĩ lại.
Dạo nhà Xim còn ở bên Xi măng, một hôm Xim ru xong câu ấy,
đương lúi húi ủ tã cho con. Khi ngửng lên thì Xim thấy bác Sấm đứng ở
cửa nhìn Xim, cười: